
Ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW) nên bắt đầu như thế nào?
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các mẹ kinh nghiệm cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (BLW – Baby Led Weaning). Phương pháp này chính bản thân mẹ Kiến đã trải nghiệm và áp dụng cho bé Kiến thành công.
Mình sẽ trình bày cho các mẹ 3 nội dung cơ bản sau:
- Thời điểm vàng để cho bé làm quen với BLW
- Cần chuẩn bị những gì khi cho bé ăn dặm BLW?
- Thức ăn của bé khi bắt đầu theo BLW có đặc điểm gì?
1. Thời điểm vàng để cho bé làm quen với BLW.
Chắc hẳn các mẹ sẽ băn khoăn: “Áp dụng phương pháp ăn dặm BLW cho bé khi nào là hợp lý?”. Câu trả lời để xác định xem bé đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, các mẹ cần dựa vào những dấu hiệu dưới đây của trẻ:
- Khi bé đã có thể ngồi vững, bé có thể kiểm soát được đầu và cổ mà không cần hoặc ít cần sự trợ giúp của người lớn thì lúc này mẹ có thể cho con ăn dặm.
- Miệng bé sẽ bắt chước nhai nhóp nhép khi thấy ai đó ăn cũng là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm.
- Bé thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà cha mẹ cho ăn. Bé với tay chộp đồ ăn và đưa đồ ăn vào mồm một cách chính xác.
Vì vậy, đối với phương pháp ăn dặm BLW không phải là bé nào cũng có thể bắt đầu ở mốc 6 tháng tuổi. Có những bé hoàn toàn bắt đầu ăn dặm BLW khi được 6 tháng tuổi, nhưng cũng có những bé cần thêm thời gian để con cứng cáp hơn. Việc ngồi vững kiểm soát được đầu và cổ, giữ cho lưng thẳng là rất quan trọng ở phương pháp này. Điều này sẽ giúp cho bé nhai nuốt dễ hơn, ít bị hóc hay sặc thức ăn. Do đó, các mẹ cần dựa vào những đặc điểm phát triển riêng của con mình để lựa chọn thời điểm vàng cho bé làm quen phương pháp ăn dặm vô cùng thú vị này nhé!
2. Cần chuẩn bị những gì khi cho bé ăn dặm BLW?
- Dụng cụ nấu ăn cơ bản như: Nồi, xoong, chảo, bát, đũa, thìa, dao, thớt … (Những dụng cụ này đều có thể sử dụng đồ dùng nấu ăn của gia đình để tiết kiệm chi phí và tránh lãng phí không cần thiết, chỉ cần mẹ lưu ý vệ sinh đồ dùng nấu ăn sạch sẽ là ok).
- Ghế ngồi ăn dặm: Đây là dụng cụ rất cần thiết và nên có khi mẹ quyết định cho bé ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (BLW). Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại ghế phù hợp với túi tiền của người dùng. Nhà Kiến chọn loại ghế Mastela có thể gấp gọn gàng, tiện lợi cho việc di chuyển giữa 2 nhà nội – ngoại. Các mẹ có thể xem review chi tiết ở bài viết này: https://www.thebabytalks.com/review-ghe-an-dam-mastela/
- Dao lượn sóng: Mẹ nên sử dụng dao này để cắt củ quả cho bé dễ cầm ở những ngày đầu tập ăn dặm (hoặc mẹ cũng có thể dùng luôn phần lượn sóng ở dụng cụ bào rau củ quả mà hầu như nhà nào cũng có).
- Khay ăn dặm: Mẹ có thể để thức ăn trực tiếp xuống khay ăn của ghế ăn dặm, nên việc mua khay ăn (nên mua loại có đế hít để tránh sau này bé vứt cả khay đi) mẹ có thể cân nhắc mua hoặc không. Thông thường, mẹ nào chăm chỉ chụp ảnh thì rất tiện khi cho bé một chiếc khay ăn riêng.
- Yếm ăn dặm: Sản phẩm này khá đa dạng về chủng loại và màu sắc. Để đảm bảo cho bé không lấm bẩn ra quần áo thì ba mẹ có thể mua cho con những chiếc áo yếm có chất liệu nilon chống thấm. Tuy nhiên, để tiện hứng đồ ăn rơi và dễ dàng lau chùi vệ sinh thì mẹ có thể chọn cho con chiếc yếm ăn có máng chất liệu silicone hoặc nhựa dễ dàng vệ sinh.
- Bình tập uống nước (có thể có hoặc không): Hiện nay có 2 loại bình tập uống rất phổ biến (giá tầm >200.000 đồng). Đó là bình tập uống 3 giai đoạn Richell, và bình có bi trọng lực B.Box. Mẹ Kiến chọn cho Kiến bình B.Box, con hợp tác hút từ ngay lần đầu tiên. Tuy nhiên, sau này khi đọc sách tham khảo, mẹ Kiến thấy có một chia sẻ kinh nghiệm rất sáng tạo. Mẹ có thể sử dụng túi bóng (túi mà người ta hay đựng nước mía đó) kèm ống hút, cho con tập uống, sáng kiến này cũng rất hay.
Vậy là các mẹ có thể thấy, riêng khâu chuẩn bị đồ dùng cho ăn dặm BLW đã tương đối đỡ phức tạp hơn so với ăn kiểu Nhật rồi nhỉ? Đó là một trong những ưu điểm mà mẹ Kiến rất thích ở phương pháp này đó, vì mẹ Kiến khá lười nên động đến nhiều đồ như máy xay nghiền, rồi rây nhuyễn, rồi khay nhỏ, khay lớn, bát bé, bát to được vài lần là mẹ Kiến chạy mất dép.
3. Thức ăn của bé khi bắt đầu theo BLW có đặc điểm gì?
+ Khi bé mới bắt đầu làm quen với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW, các mẹ chỉ cần luộc hoặc hấp chín 1 số loại rau củ như: cà rốt, su hào, đỗ, súp lơ, bí xanh… Mẹ lưu ý, khâu chế biến mẹ nên cắt khúc lượn sóng, hoặc cắt miếng chiều dài bằng 1 ngón tay người lớn sao cho bé dễ cầm là ổn.
*Lưu ý: Đối với cà rốt, bí đỏ: Mẹ chỉ nên cho con ăn không quá 3 lần/ tuần vì những loại thực phẩm này có chứa chất gây vàng da bé.
+Những ngày đầu làm quen với BLW: Mẹ chỉ nên chuẩn bị từ 1-3 món cho bé (Theo lý thuyết của BLW, khi mẹ giới thiệu một loại thực phẩm mới nào đó, mẹ nên cho bé ăn trong 3 ngày liên tiếp để test dị ứng cho con). Khi ăn, mẹ cho bé ngồi ghế, tự cầm thức ăn (Mẹ nên để lên khay ăn từng miếng 1). Thế là mẹ đã trao cho con cơ hội được khám phá thức ăn, được học cách cầm nắm, tự đưa thức ăn vào miệng và học cách nhai nuốt rồi đấy. (Mẹ có thể hướng dẫn con những lần đầu tiên trường hợp con lúng túng).
Đối với Kiến, khi lần đầu tiên con được cầm và ăn miếng cà rốt luộc. Đôi bàn tay bốc thức ăn đưa lên miệng còn rất ngượng nghịu, không chuẩn xác. Do vậy, con rất cáu và nhăn nhó. Lúc này, mẹ liên tưởng ngay tới cuốn sách Ehon: “Roẹt roẹt, cắt đôi củ nào” – một trong những bộ sách mà 2 mẹ con vẫn hay đọc hàng ngày. Khi đó mẹ cầm thức ăn lên, và hướng dẫn con, miệng lặp lại đoạn hội thoại trong sách: “Nhăm nhăm nhăm, sao lại ngon thế nhỉ?”. Thế là cái khuôn mặt bí xị ấy bỗng giác nhoẻn miệng cười và bắt đầu học cách tóp tép nhai. Đơn giản thế đấy!
Vậy là mẹ Kiến đã giới thiệu tổng quát đến cho các mẹ phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW rồi. Ở phương pháp này, còn rất nhiều giai đoạn khác ngoài bốc nhón như xúc thìa, tập dùng đũa. Mẹ Kiến sẽ tổng hợp lại và chia sẻ cho các mẹ ở những bài viết sau nhé!
Chúc các mẹ và các bé có những bữa ăn dặm thật ngon, thật vui.
Để được cập nhật thông tin và trao đổi với gia đình Kiến các ba mẹ có thể liên hệ qua Facebook và theo dõi tại YouTube.