Ba mẹ nên rèn kỷ luật cho con như thế nào?

Ba mẹ nên rèn kỷ luật cho con như thế nào?

Nghề làm cha mẹ là một trong những thử thách gian nan mà vô cùng thú vị. Công việc này đòi hỏi ba mẹ cần nhiều thời gian và sự kiên trì, nhẫn nại trong việc dạy con cách cư xử. Tuy nhiên, việc này sẽ giúp ba mẹ học được các chiến lược kỷ luật hiệu quả và lành mạnh. Vậy ba mẹ nên rèn kỷ luật cho con như thế nào? Trong bài viết này, các bạn hãy cùng thebabytalks.com tìm hiểu về một vài phương pháp hữu ích giúp con mình có cách cư xử tốt hơn trong quá trình con khôn lớn. 

Kỷ luật đối với trẻ khác với hình phạt. Kỷ luật là thiết lập các hướng dẫn rõ ràng, tích cực để trẻ tuân theo, giúp trẻ hiểu được những hành vi nào nên làm, hành vi nào không nên làm.

1. Làm gương cho con

Dạy con biết đúng sai thông qua lời nói và cách cư xử bình tĩnh. Để con học được điều này, chính bản thân ba mẹ nên thể hiện những hành vi tốt mà ba mẹ muốn thấy ở con mình, là tấm gương để con học tập và noi theo.

Ví dụ trong giờ ăn, ba mẹ cần làm gương cho con bằng việc ăn uống tập trung (không xem điện thoại, không chơi đồ chơi…). Bằng việc định hướng trước những hành động cho trẻ, con sẽ dần hình thành thói quen đối với những quy định đặt ra.

2. Đưa ra hệ quả

Ba mẹ cần bình tĩnh và giải thích những hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra nếu như con không cư xử đúng mực. Con sẽ học được mối quan hệ giữa nguyên nhân – kết quả. Khi bạn để hệ quả tất yếu xảy ra, hãy cho con lựa chọn và cho con biết hệ quả của từng lựa chọn.

Ví dụ: “Nếu như con không cất dọn đồ chơi gọn gàng, mẹ sẽ thu chúng và con không còn gì để chơi cả ngày hôm đó nữa. Nếu con cất đồ chơi này ngăn nắp, con sẽ có thể chơi thêm đồ khác”. 

Và ba mẹ cũng cần kiên định, không nên nhượng bộ bằng cách trả lại con sau vài phút. 

3. Đặt ra những quy tắc riêng

Bạn nên đề ra những quy tắc rõ ràng và nhất quán mà con mình có thể tuân theo. Bạn cũng cần đảm bảo giải thích các quy tắc này bằng các thuật ngữ/ từ ngữ ngắn gọn, phù hợp với lứa tuổi của con để con có thể hiểu được. Hãy để con biết bạn mong đợi điều gì thông qua thiết lập nội quy gia đình.

4. Đồng cảm, lắng nghe con

Lắng nghe, thấu hiểu con là việc rất quan trọng giữa và ba mẹ và con cái. Để làm một người bạn đồng hành cùng con, ba mẹ cần xây dựng niềm tin và sự tôn trọng từ con thông qua cách bạn xử lý tình huống.

Ví dụ như khi con đi chơi về mà mặt mày nhăn nhó, tức giận, rồi vào phòng đóng sầm cửa khóc lóc. Thay vì la mắng con, ba mẹ hãy thử đặt mình vào vị trí của con, nhẹ nhàng tìm hiểu xem con đang có vấn đề gì, có chuyện gì buồn lòng…Bằng cách xây dựng niềm tin, sự đồng cảm chân thành với con, bạn sẽ được con chia sẻ những tâm sự vui – buồn trong cuộc sống. 

5. Khen ngợi con đúng lúc

Trẻ con cần biết khi nào chúng làm điều gì đó xấu – và khi nào chúng làm điều gì đó tốt. Khi con có những hành vi tốt. chẳng hạn như con biết giúp đỡ mẹ làm việc nhà, bạn hãy chỉ ra nỗ lực đó và khen ngợi con. (Ví dụ: Mẹ rất vui vì nay con đã biết nhặt rau cho bữa ăn của nhà mình đấy).

6. Gợi ý hành vi thay thế

 Bạn hãy nói con nên làm gì thay vì nói việc con đang làm là sai trái. Có thể con không biết làm thế nào là đúng, nên con sẽ dễ nghe lời hơn với hướng dẫn của ba mẹ. 

Ví dụ như khi con giơ tay định đánh em bé nhà hàng xóm, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở con không được làm như vậy. Em bé còn nhỏ, em bé là để yêu thương, và gợi ý thay vì giơ tay đánh em, con hãy thử bắt tay em xem, em sẽ rất vui đấy.

Một số đầu sách hay về rèn tính kỉ luật cho trẻ, ba mẹ có thể tham khảo:

+ Kỷ Luật Mềm Trong Gia Đình: Giáo Dục Trẻ 3 – 10 Tuổi Dành Cho Gia Đình Việt

+ Kỷ Luật Không Nước Mắt – Phương Pháp Giáo Dục Trẻ Hiệu Quả

+ Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe – Nghe Sao Cho Trẻ Chịu Nói 

+ Kỉ Luật Mềm Của Trái Tim – Mẹ Việt Dạy Con Kiểu Nhật Bản

+ Kỷ Luật Tích Cực (Cho Trẻ Ở Lứa Tuổi Thiếu Niên) 

Rèn kỷ luật cho trẻ là một chủ đề sâu rộng đòi hỏi ba mẹ cần sự kiên trì, đặc biệt là quá trình hình thành thói quen tốt khi rèn kỷ luật cho trẻ lớn hơn. Hi vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho ba mẹ những thông tin hữu ích về việc rèn kỷ luật cho con ở nhà.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của thebabytalks.com!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*