Bệnh tay chân miệng ở trẻ cẩn trọng biến chứng

Bệnh tay chân miệng ở trẻ cẩn trọng biến chứng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ cẩn trọng biến chứng

Bệnh tay chân miệng ở trẻ cẩn trọng biến chứng

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay, chân và miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV 71. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 – 4 và tháng 9 – 12.

Ngoài Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71, một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.  

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng

Có nhiều biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trẻ nào cũng có dấu hiệu giống nhau. Vậy nên mọi người cần có sự tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn để đưa ra quyết định cuối cùng và có cách điều trị theo phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân.  Một số dấu hiệu nhận biết sớm của bênh tay chân miệng mà mọi người có thể tham khảo:

Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.

Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Sốt nhẹ.

Nôn.

Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Các lây nhiễm của bệnh tay chân miệng

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.

Người mắc bệnh có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên (giai đoạn ủ bệnh). Tuy nhiên thời gian lây nhiễm lại có thể kéo dài trong vài tuần bởi vì virus vẫn còn tồn tại nhiều trong phân và nước bọt của bệnh nhân.

Các con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng:

Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.

Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.

Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.

Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Từ những con đường cơ bản trên cho thấy bênh tay chân miệng rất dễ lây lan từ người sang người. Đặc biệt, do bệnh tay chân miệng thời kỳ đầu không có những biểu hiện rõ rệt nên rất dễ tạo thành dịch bệnh lớn.

Bệnh tay chân miệng có bị lại không (tái nhiễm)

Bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể bị lại và có thể tái lại nhiều lần ở người bệnh.

Các bạn có thể đọc thêm bài viết: Vai trò phòng bênh của Vắc – Xin  để hiểu hơn cơ chế của những bệnh với nguồn lây là virus.

Do không chỉ có nguồn lây từ 01 loại virus mà có nhiều loại khác nhau lây bệnh nên bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể bị lại. Điều này là do hệ miễn dịch của cơ thể chỉ hình thành kháng thể với 1 loại chủng virus gây bệnh nên những chủng virus khác sẽ vẫn tiếp tục có thể gây bệnh cho người bệnh.

Có vắc – xin phòng bênh tay chân miệng hay không?

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc – xin phòng ngừa tay chân miệng. Tuy nhiên, trên thế giới đã có những quốc gia có vắc – xin cho virus EV71 là một trong những tác nhân của bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng có bị ở người lớn

Bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể bị ở người lớn, và các biểu hiện triệu chứng cũng tương tự như bệnh tay chân miệng ở trẻ em.  Với nguồn lây bệnh là virus và hệ miễn dịch không chống lại được những virus này nên người lớn hoàn toàn có thể mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng kiêng gì

 Quan niệm kiêng nước, kiêng gió khi mắc chân tay miệng là hoàn toàn không có cơ sở khoa học để kết luận.

Do là bệnh truyền nhiễm nên bệnh nhân tay chân miệng cần kiêng gặp gỡ người khác để tránh lây bệnh.

Biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.

Rung giật cơ, giật mình chới với: từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.

Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.

Rung giật nhãn cầu.

Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp).

Liệt dây thần kinh sọ não.

Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.

Tăng trương lực cơ (biểu hiện duỗi cứng mất não, gồng cứng mất vỏ)

Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.

Phân độ bệnh: Tùy theo biểu hiện bệnh và các biến chứng bệnh tay chân miệng được phân ra các mức độ: độ 1, độ 2a, độ 2b nhóm 1, độ 2b nhóm 2, độ 3 và độ 4.

Độ 1: Bệnh tay chân miệng trẻ em chỉ gây loét miệng và/hoặc tổn thương da.

Bệnh tay chân miệng thể nhẹ.

Độ 2: Bệnh tay chân miệng bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ:

Độ 2a – Trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Độ 2b: Trẻ có dấu hiệu được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2:

Nhóm 1: trẻ giật mình ghi nhận lúc khám hoặc bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình (ít < 2 lần/30 phút) kèm theo 1 dấu hiệu sau:

Ngủ gà

Nhịp tim nhanh > 150 lần/phút (tính khi trẻ nằm yên, không sốt)

Trẻ sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt

Nhóm 2: trẻ có một trong các biểu hiện sau:

Triệu chứng thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Có rung giật nhãn cầu, lác mắt.

Yếu chi (tay, chân) hoặc liệt chi.

Liệt thần kinh sọ: biểu hiện nuốt sặc, thay đổi giọng nói…

Độ 3: Bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng

Mạch nhanh: > 170 lần/phút (khi khi trẻ nằm yên, không sốt). Một số trường hợp bệnh tay chân miệng trẻ có thể mạch chậm (đây là dấu hiệu rất nặng).

Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.

Huyết áp tăng.

Nhịp thở nhanh, thở bất thường: có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản.

Rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm).

Tăng trương lực cơ.

Độ 4: bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc

Trẻ có biểu hiện sốc (mạch = 0, huyết áp = 0…)

Phù phổi cấp, tím tái, SpO2 < 92%.

Ngưng thở, thở nấc.

Cách phòng bệnh tay chân miệng

– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.

-Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

– Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.

– Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.

– Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.

– Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng

Để điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng, cần liên hệ tới cơ sở y tế để thực hiện thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Bài viết của thebabytalks.com mang tính chất tham khảo để nâng cao kiến thức với các loại bệnh tật. Do đó, thebabytalks.com không chịu trách nhiệm trước những hành động và quyết định của người đọc. Cảm ơn các bạn đã đọc bài!

Theo dõi và liên hệ qua Facebook và YouTube .

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*