
Bí quyết giúp bé nói sớm
Bí quyết giúp bé nói sớm là gì? Đây là một câu hỏi được rất nhiều mẹ đặt ra và loay hoay tìm lời giải đáp. Trong bài viết này, thebabytalks.com sẽ chia sẻ cho các mẹ một số bí quyết mà mình đã áp dụng thành công với bé Kiến nhà mình nhé.
- Đọc sách và kể chuyện cho con hằng ngày: Từ khi con hơn 1 tháng tuổi, mình cho con tiếp xúc và đọc sách Ehon hằng ngày. Nhờ đó mà con đã được nuôi dưỡng được tình yêu với sách từ nhỏ. Sách Ehon chứa những ngôn từ ngắn gọn, dễ hiểu lặp đi lặp lại kèm hình ảnh tươi sáng không chỉ giúp thu hút sự chú ý của bé mà còn giúp con ngấm từ vựng, phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Một số bộ chuyện Ehon dành cho bé sơ sinh và các lứa tuổi, mẹ có thể tham khảo bài viết chi tiết tại đây.
- Hát cho con nghe hoặc cho con nghe nhạc: Mình dùng một chiếc loa nhỏ cắm USB, cho con mang theo bên mình khi chơi rất tiện lợi. Mẹ có thể cop những bài hát thiếu nhi, các bài thơ, ca dao, tục ngữ,…cho bé nghe, hoặc mẹ cũng có thể hát và đọc thơ, truyện cho bé nghe với giọng ấm áp, ngọt ngào của mẹ.
- Đọc tên các đồ vật quen thuộc cho con: Với các vật dụng quen thuộc hằng ngày, mẹ nên chỉ vào đồ vật và gọi tên đồ vật đó, hoặc đơn giản mẹ cũng có thể bày các trò chơi với đồ vật, mẹ gọi tên đồ vật kèm màu sắc cho con chơi.
- Trò chuyện với con hằng ngày: Luôn thông báo cho con biết những hành động kế tiếp mà mẹ chuẩn bị làm với con để con chuẩn bị sẵn sàng tâm lý. Với những hành động lặp đi lặp lại, mẹ còn tạo cho con một thói quen tốt, giúp con hiểu được việc tiếp theo mình sẽ làm là gì. Ví dụ như trình tự sau khi ăn dặm, con sẽ được đi tắm, rồi chuẩn bị đi ngủ… Lặp đi lặp lại những hành động này, kèm theo thông báo của mẹ sẽ giúp con chủ động hơn. Hoặc khi đi ra ngoài, mẹ trò chuyện với con về cảnh thiên nhiên xung quanh như cá bơi tung tăng dưới nước, hoa lá, cỏ cây…
- Tương tác với con: Mẹ nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để tương tác với con, ở thời điểm này mẹ nên chú tâm 100% vào hoạt động với con. Mẹ đừng để bị xao lãng bởi điện thoại hay TV hay bất cứ điều gì khác, vì lúc này khi tương tác cùng con, thời gian chất lượng mà mẹ dành cho con, giúp con phát triển ngôn ngữ rất nhiều. Con học nói bằng cách bắt chước theo ba mẹ. Mình hay dùng một số đồ handmade để tương tác cùng con, giúp con nhận biết và tập nói, các mẹ có thể tham khảo bài viết “Cách làm đồ chơi cho bé từ bìa carton” tại đây. Tips nói chuyện cuốn hút con: Mẹ lên xuống tông giọng ngữ điệu, bắt chước giọng trẻ con một chút, biểu cảm khuôn mặt cũng nên thay đổi khi trò chuyện nhìn vào mắt con, mẹ có thể làm khuôn mặt vui cười, mặt tức giận, buồn ngủ, ngạc nhiên… để thu hút sự chú ý của bé.
- Giúp con nói tròn vành rõ chữ: Với các bé đang học nói, khi con nói từ nào đó vẫn ngọng, phát âm chưa chuẩn, mẹ cần lặp lại từ đó nói chuẩn xác cho con lắng nghe, mẹ không nên nhại lại từ chưa chuẩn đó, khiến con cho nhầm tưởng rằng mình nói thế là đúng. Mẹ nên nói chuyện với con bằng ngôn ngữ giao tiếp hoàn chỉnh.
- Dùng những từ tích cực để trò chuyện với con: Mẹ cần hạn chế dùng những từ ngữ tiêu cực vì các bé trong độ tuổi này tiếp thu rất nhanh. Ngoài ra, những từ ngữ tiêu cực như dọa nạt, hay ám chỉ không hề làm cho con ngoan hơn, mà ngược lại còn làm con buồn hơn, dễ nổi cáu, ăn vạ. Khi con nói thêm được từ mới mẹ nên động viên, khích lệ con giúp con cố gắng hơn.
- Lắng nghe con, đoán ý muốn của con: Tầm trên 1 tuổi, phần lớn các bé sẽ biết diễn đạt ý muốn của mình thông qua hành động hay lời nói. Các con hay dùng ngôn ngữ cơ thể: “chỉ, trỏ” hay diễn đạt dù chưa rõ ý. Nhiệm vụ của ba mẹ lúc này cần lắng nghe xem con muốn gì để đoán ý muốn của con, gợi mở từ vựng cho con. Ví dụ như khi con muốn ăn quả cam, con chỉ chỉ vào quả cam. Lúc này mẹ nên hỏi con: “Con muốn ăn quả cam phải không? Đây là quả cam, quả cam, mình cùng bổ cam rồi ăn nhé!”. Mẹ cũng có thể đọc và tương tác cùng con bài thơ rất vui nhộn: “Bổ quả cam là bổ quả cam, vắt nước cam là vắt nước cam, thêm một thìa đường, khuấy đều khuấy đều, cho bé nếm thử ….” Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, con sẽ ghi nhớ được nhiều hơn, vốn từ mở rộng hơn.
- Hạn chế cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, TV: Trước 2 tuổi, nếu bé thường xuyên dùng điện thoại, ipad, TV thị lực của con sẽ bị giảm sút nếu dùng với cường độ dày đặc. Nhiều bé còn bị chứng chậm nói, nặng hơn còn bị tự kỉ vì xem quá nhiều. Do vậy, ba mẹ nên tăng cường thời gian tương tác với con thật nhiều.
Nhờ một số cách đơn giản nêu trên mà bé Kiến nhà mình đã phát triển ngôn ngữ từ rất sớm, con nói được rất nhiều từ đơn, từ đôi và trực tiếp nói ra được ý muốn của mình từ khi hơn 1 tuổi, điều này giúp con giao tiếp trò chuyện với mọi người vui vẻ hơn. Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho các mẹ một số bí quyết hữu ích trong việc giúp con con yêu nói sớm. Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy