
Cách chữa tắc tia sữa tại nhà
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, ngoài việc quan tâm tới lượng sữa bao nhiêu là đủ, chất lượng sữa như thế nào là tốt, còn một vấn đề luôn khiến các mẹ lo lắng và ám ảnh đó chính là tắc tia sữa. Đây là hiện tượng khá phổ biến xảy ra ở các sản phụ sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Vậy triệu chứng của tắc tia sữa là gì? Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng như thế nào và cách chữa tắc tia sữa tại nhà ra sao? Các mẹ cùng thebabytalks.com tham khảo trong bài viết dưới đây nhé!
Tắc TIA sữa là gì?
- Là hiện tượng sữa bị đọng lại ở trong bầu ngực, hệ thống ống tuyến sữa bị tắc do vậy sữa không chảy ra được.
* Triệu chứng của tắc tia sữa:
+ Sữa không tiết ra hoặc đột ngột tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa.
+ Bầu ngực cương cứng, rất đau, nóng, khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng.
+ Mẹ có thể bị sốt vừa hoặc sốt cao.
Biến chứng của tắc tia sữa?
Tắc tia sữa tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng:
– Viêm tuyến vú
– Áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú.
Cách xử lý tắc tia sữa tại nhà như thế nào?
+ Điều trị bằng các phương pháp nhiệt: Chườm ấm sử dụng khăn ấm hoặc túi đựng nước ấm để sưởi ấm vùng ngực của người mẹ. Mẹ chỉ nên sử dụng nước ấm ở nhiệt độ 40 – 45 độ C, không nên lựa chọn nước quá nóng có thể bị bỏng. Mẹ dùng túi đựng nước ấm lăn chườm khắp bầu ngực trong vòng 5-10 phút, khi đó các khối rắn, khối tắc sẽ dần dần được tan ra.
+ Phương pháp massage: Mẹ có thể massage nhẹ nhàng vùng ngực để tình trạng tắc tia sữa có thể được cải thiện nhanh chóng hơn. Mẹ dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng, tập trung vào các khối rắn. Mẹ dùng 2 bàn tay áp xát vào bầu ngực, dùng lực cổ tay vắt sữa trong bầu ngực ra. Phương pháp này được xem như là một trong những cách giúp khối rắn dễ thông tắc ra nhất. Mẹ tham khảo 3 bước massage sau:
- Đầu tiên, trước mỗi cữ sữa, mẹ dùng 3 đầu ngón tay day tròn từ phần ngoài ngực, vừa day vừa di chuyển tay theo hình xoắn ốc vào trung tâm núm vú (30 giây). Chú ý: Tay trái massage vú phải và ngược lại.
- Sau đó, mẹ dùng 2 lòng bàn tay ôm lấy bầu ngực, vuốt dọc theo bầu ngực về núm vú (30 giây). Chú ý: Tay bên nào, massage vú bên đó
- Tựa ngón tay cái ở quầng vú trên, các ngón tay massage nhẹ nhàng lên xuống ở vị trí đầu dây thần kinh từ 1-2 phút. (Tay trái massage vú phải và ngược lại).
+ Dùng máy vắt sữa, hút sữa (kèm theo massage hỗ trợ): Mẹ nên dùng dụng cụ hút sữa để hút toàn bộ sữa ra khỏi bầu ngực ở mỗi lần cho con bú xong. Từ đó tình trạng tắc tia sữa sẽ được thông thoáng và không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ.
+ Chườm mát để giảm đau: Sau khi massage, hút vắt sữa mẹ nên chườm khăn mát (1-2 phút) để giảm đau cho mình và hạn chế tình trạng viêm sung huyết ống tuyến sữa.
+ Sử dụng thảo dược trong y học cổ truyền: Lá đinh lăng hoặc bồ công anh, sắc nước uống. Lá đinh lăng nên dùng 250-300g/ ngày, uống xen kẽ nước lọc trong ngày. Lá bồ công anh tươi nên dùng 150g/ ngày, đun 15 phút lấy phần nước, uống trong ngày. Hoặc mẹ có thể dùng lá bồ công anh tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống còn bã đắp vào ngực chỗ bị tắc sữa, ngày làm 2 lần vậy trước khi vắt sữa 30 phút.
Lưu ý: Mẹ nên vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước và sau cho con bú, hạn chế đọng lại sữa trong quá trình cho con bú. Ngoài ra, mẹ nên cho con bú theo cữ nhất định, không nên giãn cách thời gian bú quá lâu dẫn đến nguy cơ sữa ứ trong bầu ngực quá lâu dẫn đến tình trạng tắc.
Khuyến cáo: Khi mẹ tự xử lý tắc tia sữa tại nhà mà tình trạng tắc sữa vẫn không giảm, mẹ bị sốt cao, vú có mủ, sữa màu socola thì các mẹ nên đến viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là một số chia sẻ cho các mẹ trong quá trình chăm con của mình, hạn chế được tình trạng tắc tia sữa. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ hỗ trợ cho các mẹ trong quá trình chăm con đơn giản và dễ dàng hơn.
Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy