
Cách trị nóng trong người cho bé
Trẻ em luôn có cơ địa nóng hơn người lớn, và đặc biệt thân nhiệt của trẻ càng nóng hơn nữa vào mùa hè này. Vậy “cách trị nóng trong người cho bé” như thế nào? Mời các mẹ cùng thebabytalks.com bàn luận trong bài viết dưới đây nhé!
Dấu hiệu nhận biết Bé bị nóng trong người
– Da của bé bị khô, sờ vào có cảm giác hơi nóng.
– Môi của bé thường đỏ và căng mọng, có dấu hiệu môi khô.
– Miệng của bé nổi các bọng nước
– Hơi thở có dấu hiệu nóng, hôi.
– Bé thường đổ mồ hôi một cách không bình thường.
– Bé hay nổi mụn nhọt hoặc có nhiều rôm xảy.
– Nước tiểu vàng, ít đi tiểu
Trẻ bị nóng trong người nên ăn/ uống gì?
- Không nên cho bé uống nước đá thường xuyên vì nước đá càng uống càng nóng. Khi cơ thể bé nóng, cần ra mồ hôi để thải nhiệt. Nhưng nếu ba mẹ cho bé uống nước đá, thì nhiệt bị giữ trong cơ thể.
- Dùng nước hoa quả tươi cho con uống: Nước chanh, nước cam (chỉ cho lượng đường nhỏ để tạo vị ngọt). Bột sắn dây, nước mơ muối cũng được các bác sĩ khuyên dùng cho bé trong mùa hè này.
- Tăng cường ăn các loại rau có tính mát: Bí xanh, dưa chuột, mồng tơi, mướp đắng, cà chua, rau diếp cá.
- Cho bé uống nước dừa điều độ (với bé trên 6 tháng)
- Cho bé uống đủ nước mỗi ngày, để thanh lọc cơ thể.
- Đối với các bé còn bú sữa mẹ: Mẹ nên hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm cũng như chất kích thích, có thể gây nóng trong, táo bón ở bé.
Các loại nước uống giúp trị nóng
Để thân nhiệt của con không bị nóng trong, ít nổi mụn, mẹ có thể tham khảo cách nấu các loại nước uống có tác dụng thanh nhiệt và giải độc dưới đây:
1. Nước gạo lứt
(Nguyên liệu: Gạo lứt: 100g; 1 lít nước; 1/2 muỗng cà phê muối)
– Mẹ nhặt bỏ những hạt gạo lứt xấu, để khô ráo.
– Bắc chảo lên, bật lửa lớn cho chảo nóng. Tiếp theo, mẹ cho gạo lứt vào chảo rang với lửa nhỏ và đảo đều tay liên tục để không bị cháy.
– Cho gạo lứt đã rang vào nồi nước, thêm một thìa nhỏ muối, đun đến khi hạt gạo chín mềm, đợi nguội, lọc lấy nước. Tùy theo nhu cầu mà các mẹ có thể gia giảm lượng gạo, nước và muối sao cho phù hợp. Cất nước vào tủ lạnh dùng dần (bảo quản trong vòng 2 ngày).
2. Nước đậu đen
(Nguyên liệu: 100g đậu đen; 1 lít nước; dụng cụ: rây lọc)
– Đậu đen rửa sạch, loại bỏ hạt hỏng.
– Bắc chảo lên bếp, để lửa vừa, cho đậu đen vào rang, đảo liên tục để đậu không bị cháy. Sau khi đậu chín đều, tắt bếp, cho đậu ra dĩa.
– Cho khoảng 1 lít nước vào nồi, bắc lên bếp đun sôi.
– Khi nước sôi, cho đậu đen đã rang vào nồi, đun sôi khoảng 10 phút, sau đó tắt bếp. Đậy nắp ủ thêm khoảng 15 phút.
– Cuối cùng mẹ dùng rây hoặc túi lọc lọc qua nước đậu đen rang để lại bỏ phần cặn bã, để nguội và thưởng thức.
3. Trà sâm bí đao
(Nguyên liệu: 1.5kg bí đao già, 20g thục địa, 1 quả la hán, 4 đoạn mía lau dài 15cm, 10 cọng lá dứa (lá nếp), 4 lít nước lạnh, 60g đường phèn).
- Bí đao rửa sạch, cắt khoanh thành các miếng tròn cỡ 1 cm.
- Mía lau chẻ từng thanh nhỏ rồi đặt dưới đáy nồi. Cho bí đao, muối, thục địa, la hán quả , cho ⅔ thìa cà phê muối, 3 lít nước vào. Đặt lên bếp nấu ít nhất 2 giờ với lửa vừa.
- Rửa sạch lá dứa, vò lá dứa cho ra tinh dầu, khi cho vào nước sâm sẽ thơm hơn. Thắt gút và cho vào nồi (khi bí đao mềm). Nấu khoảng 5 – 10 phút.
- Cho đường phèn vào, khuấy đều cho tan rồi tắt bếp, lọc qua rây.
- Cuối cùng mẹ cho nước sâm vào chai lọ và bảo quản trong tủ lạnh nhé vì trà bí đao sẽ ngon hơn khi uống lạnh đấy.
Ngoài ra, trong những ngày hè oi bức này, nhà mình luôn trang bị trong tủ lạnh món sữa chua cho cả bé và người lớn. Sữa chua được coi là một thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn và dinh dưỡng cho bé, là món ngon dễ ăn bé có thể thưởng thức mỗi ngày (1-2 hộp).
Trường hợp bé có cơ địa quá nóng, mẹ nên cho bé gặp thầy thuốc đông y để được tư vấn về các phương thuốc điều hòa cơ địa để hạn chế và chữa trị được nóng trong người cho bé. Bé bị nóng trong có thể bị ngứa, nổi mụn nhọt, rôm sảy. Mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, tránh gây cảm giác khó chịu, đau rát cho bé. Đặc biệt, mẹ tránh tự ý dùng thuốc thanh nhiệt mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé sử dụng.
Hi vọng bài viết trên sẽ mang đến cho các mẹ những kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho bé yêu của mình.
Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy