
Có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh?
Theo kinh nghiệm dân gian của các bà các mẹ từ xưa tới nay, việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh là việc làm hết sức quen thuộc. Tuy nhiên, có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh hay không? Tắm bằng lá cây có hoàn toàn tốt cho trẻ không? Liệu có những ẩn họa mà nhiều người chưa biết đến khi tắm lá cho bé hay không? Các bạn cùng thebabytalks.com tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tác dụng của lá cây trong Đông y là gì?
Trong Đông y, có nhiều loại lá cây có thể sử dụng để tắm cho bé được chia làm nhiều nhóm khác nhau như:
– Chuyên trị rôm sảy, mụn nhọt: lá sài đất, bồ công anh, mướp đắng, rau má,… Trong các loại trên thì mướp đắng và rau má là hai loại lá thanh nhiệt, làm mát nên có thể dùng để tắm hằng ngày. Sử dụng thường xuyên hai loại thảo mộc này thường cũng không gây hại gì.
– Trị các bệnh như mẩn ngứa, dị ứng, lở sơn, viêm da cơ địa: cha mẹ có thể dùng các nhóm cây thanh nhiệt, khu phong như lá khế hay kinh giới…
– Làm săn se mụn, trị thủy đậu, chốc lở, ngứa, mụn mủ: lá trầu không, chè xanh, chân vịt, xuyên tâm liên,…
2. Tắm bằng lá có thực sự an toàn cho trẻ sơ sinh?
Bên cạnh những công dụng tốt như trên, vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn khi tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá. Rất nhiều các loại lá cây hiện nay bị nhiễm bẩn do môi trường hoặc phun thuốc trừ sâu. Vì vậy trong trường hợp da của trẻ sơ sinh đã bị tổn thương như trầy xước, sưng,… thì những loại vi khuẩn trên lá cây sẽ làm hại đến vùng da tổn thương của bé.
Theo ý kiến của một số chuyên khoa da liễu: “Trước đây việc dùng lá cây để tắm từ xưa là việc bình thường nhưng chúng có thực sự là tốt hay không thì không dám khẳng định. Và chúng tôi cũng không khuyến khích việc tắm trẻ sơ sinh bằng lá cây. Bởi lẽ, các loại lá cây để tắm ngày nay thực sự không dám đảm bảo là chúng có thực sự sạch và lành hay không”
Thực tế đã chỉ ra, có những trẻ tắm nước lá nhưng không bị làm sao là do cơ địa của từng trẻ, không phải trẻ nào cũng có thể tắm được nước lá. Ba mẹ tuyệt đối không tắm khi trẻ đang mắc các bệnh ngoài da.
Do nhiều phụ huynh không tìm hiểu kĩ đã vội vàng tắm nước lá cho con, dẫn đến hậu quả con bị viêm da do nhiễm khuẩn. Trong trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời sẽ dấn đến nguy cơ nhiễm trùng máu, rất nguy hại cho trẻ.
Do vậy, nếu da của bé khỏe mạnh, bình thường thì không cần thiết phải sử dụng các loại lá cây để tắm. Nếu không cẩn thận lại gây ra hậu quả không mong muốn. Điền hình là tại Bệnh viện nhi TW, có rất nhiều ca trẻ bị viêm da, lở loét do người nhà đã dùng các loại lá cây không sạch để tắm cho trẻ.
Lá để tắm cho trẻ sơ sinh nếu không được sử dụng đúng cách và không rõ nguồn gốc thì có thể là tác nhân gây hại cho sức khỏe của trẻ.
3. Tham khảo và cân nhắc khi tắm trẻ sơ sinh bằng lá an toàn
Cơ thể bé khi mới sinh ra được bao phủ bởi một lớp lông măng rất mịn, ngắn, màu nâu. Lớp lông này sẽ giữ ấm cho bé. Có một lớp sáp bảo vệ cơ thể kèm theo như một làn da mỏng vậy. Ngay sau sinh, nếu không được vệ sinh kỹ, phần lớp sáp sẽ bị vi trùng ở môi trường phân hủy, từ đó hình thành môi trường dễ nhiễm trùng da cho bé. Ngoài ra, nếu không được vệ sinh thì lớp lông măng cũng bết dính và tạo thành các ổ vi trùng.
Khi trẻ mắc các bệnh về da, nguyên nhân đầu tiên các mẹ nên nghĩ tới là do mình không giữ vệ sinh da cho con thật tốt. Ở trẻ em, do da mỏng, sức đề kháng yếu hơn, chưa thích ứng được với những thay đổi đột ngột của môi trường nên càng dễ bị vi khuẩn tấn công. Vì thế, để phòng các bệnh mụn nhọt, viêm da, nhiễm trùng da ngày hè, cha mẹ cần giữ việc giữ vệ sinh da cho bé là vô cùng quan trọng.
Nhằm đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho trẻ sơ sinh, khi cân nhắc tắm lá cho bé ba mẹ nên:
- Chỉ sử dụng những loại lá cây mình biết rõ nguồn gốc xem có bị phun thuốc hay sâu bệnh hay không.
- Rửa lá cây thật sạch. Ngâm lá cây với nước muối loãng để tăng hiệu quả làm sạch.
- Các loại lá cây đều phải đun sôi, để nguội. Không dùng trực tiếp các loại lá cho trẻ khi tắm. Riêng kính giới hay mướp đắng có thể giã hay say để lấy nước cốt và pha tắm luôn.
- Lọc và vứt bỏ lá cây, giữ lại nước để dùng.
- Nên thử phản ứng dị ứng cho trẻ trước khi tắm.
- Tắm sơ cho trẻ bằng nước ấm để loại bỏ các chất bẩn trên da trước khi tắm bằng nước lá. Cuối cùng làm sạch người trẻ sơ sinh bằng nước trắng để loại bỏ những bột lá còn sót lại trên tóc, da.
Lời kết
Tóm lại, khi bé sơ sinh có làn da khoẻ mạnh, mẹ nên tắm trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường. Trường hợp tắm lá cho bé, ba mẹ cân nhắc sử dụng lá sạch rõ nguồn gốc, không nên pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện. Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng, nên đưa bé đến khám da liễu nhi để được điều trị kịp thời. Hi vọng các bé sẽ được ba mẹ bảo vệ và chăm sóc làn da đúng cách!
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của Thebabytalks.com!
*Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Để lại một phản hồi Hủy