CÙNG CON YÊU BƯỚC QUA GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 2

CÙNG CON YÊU BƯỚC QUA GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 2

Trong cuộc sống chắc hẳn sẽ có vô số lần ba mẹ chúng ta vò đầu bứt tai vì không thể hiểu bé yêu của mình giai đoạn này sao nữa. Có những hành động, những cơn mè nheo ăn vạ bất thình lình của con mà ba mẹ vô cùng bất ngờ và khó hiểu. Vậy để cùng con yêu bước qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 với việc kiểm soát cảm xúc tốt hơn như thế nào? Ba mẹ cùng thebabytalks.com dõi theo bài viết dưới đây nhé!

1. Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?

“Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn phát triển tự nhiên và hết sức bình thường ở trẻ nhỏ. Thuật ngữ tiếng Anh gọi là “Terrible Twos”, thuật ngữ này được dùng để mô tả những thay đổi trong hành vi và tâm lý mà cha mẹ thường quan sát được ở trẻ lên 2.”

Khủng hoảng tuổi lên 2 thường được đánh dấu bằng những cơn giận dữ vô cớ của trẻ. Rất nhiều trẻ có xu hướng nói “không, không, không” với đề nghị của người lớn. Trẻ lên 2 ở giai đoạn này thích thể hiện cái tôi của mình một cách mãnh liệt. Nhu cầu của trẻ trong thời điểm này mong muốn được thể hiện mình là ai và mong muốn cha mẹ hiểu điều đó. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu, nhiều người vẫn cố gắng uốn nắn trẻ theo hình mẫu mà cha mẹ kỳ vọng.

2. Một số biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2

+ Tức giận vô cớ, tâm trạng thất thường:

Nguyên nhân gây ra trạng thái này của trẻ chính là người lớn không hiểu ý của con. Ví dụ như khi con muốn đọc sách, mẹ lại lấy cuốn sách A thay vì cuốn sách B yêu thích của con.

+ Nói “không” thường xuyên hơn

Đôi lúc bé sẽ làm cha mẹ thấy khó hiểm khi bày tỏ: “không” khi bạn yêu cầu đi ăn cơm, hay đưa cho con đồ chơi, quần áo, đồ ăn vặt…

+ Bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của bản thân

Giai đoạn này bé rất hay đòi quyền lợi của bản thân hoặc của người thân trong gia đình. Bé Kiến nhà mình rất hay đòi: “Mẹ trả dép ba đây, mẹ trả đàn con đây, trả con đây.”

Đôi khi bé cũng hốt hoảng vì bỗng dưng mẹ đi đâu mất khi tỉnh dậy. Hay khi đi thăm em bé nhà dì mới sinh, mẹ có bế em một lát. Lát sau con dõng dạc tuyên bố: “Con không thích dì đâu”. Về nhà mẹ gặng hỏi tại sao con nói không thích dì, thì bé mới thỏ thẻ: “Vì mẹ bế em bé, mẹ là của con”. Do đó, giai đoạn này, bé sẽ trở nên nhạy cảm với lãnh thổ của mình và sẵn sàng cáu giận khi lãnh thổ của mình bị xâm phạm.

+ Bé thể hiện sự chống đối

Mọi ngày mẹ vẫn giúp bé mặc quần áo, đi giày mỗi khi đi ra ngoài, bỗng nhiên đến một ngày bé nhất quyết không cần mẹ, đòi tự làm và tốn rất nhiều thời gian. Đó là bởi mỗi ngày bé đều học được những kỹ năng mới, và muốn tự mình thực hành lại những kỹ năng mình đã học được.

+ Biếng ăn, khóc đêm

Chính vì giai đoạn khủng hoảng bận rộn với những thử nghiệm cả ngày nên đôi khi bé quên mất việc phải ăn cho no, ngủ cho đủ. Mà việc ăn và ngủ liên quan mật thiết tới những hoạt động hằng ngày của bé. Đôi khi chỉ vì ngủ chưa đủ giấc, ăn chưa đủ no mà bé trở nên cáu gắt, khó chịu.

Một số biểu hiện trên sẽ xảy ra ít/ nhiều với tùy từng bé. Ở một số bé có khả năng phát triển ngôn ngữ tốt hơn, giai đoạn này con sẽ có cơ hội bộc lộ bản thân rõ ràng hơn và giảm bớt sự thất vọng hơn.

3. Một số biện pháp xử lý khủng hoảng tuổi lên 2

– Ba mẹ duy trì một lịch sinh hoạt nhất quán hằng ngày:

Việc có một lịch trình sinh hoạt nhất quán, giúp con yêu sẽ dễ dàng hình dung ra hoạt động tiếp theo là gì. Từ đó việc ăn uống, nghỉ ngơi, hoạt động sẽ dễ dàng hơn.

– Ba mẹ cần thống nhất biện pháp xử lý khi có vấn đề xảy ra:

+ Đánh lạc hướng trẻ: Thay vì cố gắng thuyết phục khi con đang khóc, ba mẹ hãy đánh lạc hướng của trẻ sang hướng khác.

+ Thiết lập góc suy nghĩ: Khi con không bình tĩnh và có những hành vi không phù hợp, ba mẹ có thể đưa con đến một góc yên tĩnh để giúp con bình tĩnh lại.

+ Nói cho con biết ba mẹ sẽ làm gì tiếp theo trước khi hành động: Ví dụ trước khi ra ngoài tập thể dục, nhà mình luôn thông báo trước cho Kiến biết để con sẵn sàng chuẩn bị tinh thần. Khi đến giờ đi, con tự động lấy khẩu trang phân phát cho cả nhà.

+ Cho con quyền lựa chọn trong giới hạn: Thay vì áp đặt con phải chơi món đồ chơi này, ba mẹ có thể đưa ra những sự lựa chọn cho con với những bộ đồ chơi mà ba mẹ đã lựa chọn từ trước.

+ Dạy con cách thể hiện cảm xúc: Vui, buồn, mừng, giận… đó là những cảm xúc rất đỗi tự nhiên của con người. Trẻ con cũng như người lớn, con cũng có quyền khóc lóc khi buồn, có quyền bực bội khi không vừa ý mình. Tuy nhiên, ba mẹ cần chỉ cho con bộc lộ cảm xúc của mình đúng lúc, đúng chỗ, giúp bé bình tĩnh khi có cảm xúc mạnh thay vì ném đồ, cắn xé…

Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn phát triển tâm sinh lý quan trọng của trẻ. Ba mẹ nên dành nhiều thời gian tìm hiểu, tham khảo những biện pháp xử lý để cùng con vượt qua giai đoạn này một cách vui vẻ, nhẹ nhàng hơn. Cảm ơn ba mẹ đã đọc bài viết của thebabytalks.com!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*