
Đừng dọa trẻ con tùy tiện
Các bạn chắc cũng nghe những lời hăm dọa trẻ con như: “Chú bảo vệ bắt đứa nào khóc bây giờ…”; ” Ông ù (máy bay) bắt nó đi đi…”; ” Bá Tú (một người nào đó) ăn thịt bây giờ..”; Đây đều là những lời hăm dọa trẻ và những lời nói này sẽ không tốt đối với sự phát triển của trẻ. Vậy nên các bạn đừng dọa trẻ con tùy tiện.
Tạo ra sự lo sợ
Khi bị dọa thì phản ứng đầu tiên của các bé sẽ là sự lo sợ. Tuy nhiên khi dọa tùy tiện sẽ tạo ra cho các bé những nỗi sợ lớn ảnh hướng tới quá trình tư duy của các bé. Bé Kiến trong những lần đầu tiên khi nhìn thấy máy bay trên trời bé rất vui sướng, hò reo mỗi khi máy bay bay qua và thích thú đòi bố hay mẹ bế ra sân để ngắm máy bay. Tuy nhiên bà nội Kiến đã dọa Kiến :”Ông ù đấy, ông ù chyên bắt trẻ con” mỗi lần có tiếng máy bay. Điều này làm Kiến nhà mình rất sợ máy bay những lần sau đó. Mỗi khi có máy bay Kiến sẽ ôm chặt người đang bế và co quắp cơ thể lại rất hốt hoảng. Bố và Mẹ Kiến nhận ra điều này nên đã góp ý với bà nội không dọa Kiến nữa và cố gắng giúp Kiến vượt qua nỗi sợ máy bay. May mắn là khá nhanh sau đó nhờ việc trấn an tâm lý mỗi lần máy bay bay qua đã giúp Kiến vượt qua được nỗi sợ máy bay.
Dọa trẻ con tùy tiện đã tạo ra nỗi sợ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, tạo áp lực và stress tiêu cực cho trẻ.
Sợ những người tốt đẩy trẻ vào sự nguy hiểm
Khi dọa trẻ những câu: “Bác bảo vệ bắt con đi bây giờ..” “Chú công an bắt đấy”..điều này ngẫu nhiên tạo ra ám ảnh không tốt đối với những nhân vật trong câu nói đó. Việc dọa trẻ bằng hình ảnh bác bảo vệ hay chú công an khiến trẻ sợ những nhân vật này. Mà trong thực tế đây lại là những người có thể giúp đỡ trẻ những lúc khó khăn. Ví dụ: nếu em bé nhà bạn sợ bác bảo vệ và đang bị lạc ở trung tâm thương mại, bé sẽ không dám tìm đến bác bảo vệ, trong khi đây lại là người có thể giúp đỡ bé. Câu chuyện chỉ là một ví dụ, nhưng thực tế hoàn toàn có thể xảy ra nếu các bé tiếp tục bị dọa tùy tiện.
Sợ bác sĩ
Rất nhiều em bé rất sợ bác sĩ, vì hay bị dọa bác sĩ tiêm. Dần dần hình thành sự ám ảnh mỗi khi nhìn thấy bác sĩ, sợ tiêm mặc dù tiêm không hề quá đau. Điều này ám ảnh trẻ và gây ảnh hưởng rất xấu mỗi khi trẻ tiêm phòng hoặc phải điều trị bệnh. Ngay cả khi lớn lên những ám ảnh về nỗi sợ này vẫn bám theo các bé.
Việc dọa trẻ con tùy tiện để lại những hệ quả không tốt. Làm thế nào để không phải dọa trẻ con mà vẫn giúp trẻ ngoan ngoãn nghe lời. Dưới dây là một số kinh nghiệm của thebabytalks.com.
Thay vì dọa trẻ hãy ra điều kiện một cách khéo léo. Bé Kiến nhà mình khi ăn uống không tập trung thì mẹ Kiến thường khen cổ vũ tinh thần cho Kiến và có thể ra một vài điều kiện nhỏ như: ăn hết mẹ sẽ đưa con đi tắm (bé Kiến rất thích tắm) hoặc tý vào bố đọc cho 1 quyển sách rất hay nhé…thay vì dọa trẻ, chúng ta có thể thay thế bằng những lời khen cổ vũ hoặc đưa ra điều kiện để trẻ thực hiện theo mệnh lệnh từ người lớn được đưa ra. Ngoài ra đối với từng bé, các bạn có thể tự nghiên cứu và có phương pháp phù hợp tránh việc đe dọa các bé tùy tiện.
Chỉ sử dụng những lời đe dọa đúng: việc đe dọa trẻ chỉ nên sử dụng trong những tình huống đúng. Ví dụ: Không được lên xe người lạ, người ta có thể bắt con đi. Không được cho tay vào đấy (ổ điện, cánh quạt, lửa, nước sôi) nó cắn mất tay đó. Việc có nhưng lời đe dọa đúng sẽ giúp các bé an toàn hơn và biết sợ những cái cần thiết hơn là những lời đe dọa tùy tiện khiến các bé sợ hãi không cần thiết, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của mẹ Kiến. Hi vọng bài viết cung cấp được thông tin hữu ích cho các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo của thebabytalks.com nhé.
Để lại một phản hồi Hủy