Hành trình cùng con học nói

Hành trình cùng con học nói
Hành trình cùng con học nói

Hành trình cùng con học nói

Phát triển ngôn ngữ là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng và cần thiết ở trẻ nhỏ. Ngoài việc dùng ngôn ngữ cơ thể như dùng tay để chỉ trỏ, dùng ánh mắt để biểu thị cảm xúc, khi bước vào giai đoạn bi bô tập nói trẻ đã biết dùng ngôn ngữ lời nói để biểu hiện ý muốn của bản thân. Điều này thật tuyệt vời và đặc biệt có ý nghĩa với trẻ. Trong bài viết này, thebabytalks.com sẽ cùng ba mẹ phân tích những điều nên làm, cũng như những điều cần tránh trong “hành trình cùng con học nói” ba mẹ nhé!

Độ tuổi bắt đầu tập nói của trẻ

Theo nhiều nghiên cứu, thông thường trẻ sẽ phát ra những âm thanh đơn giản như muh muh – bah bah ở giai đoạn 3- 4 tháng tuổi.  Vào khoảng tháng thứ 6 trở ra, trẻ có thể bắt đầu bập bẹ với những âm thanh đa dạng hơn như ma ma, ba ba. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự phát triển của từng trẻ và đặc biệt tùy thuộc rất lớn vào môi trường giáo dục của con. Tại sao mẹ Kiến lại nói vậy?

Bởi lẽ, mẹ Kiến đã chứng kiến rất nhiều em bé có khả năng hoạt ngôn rất tốt nhờ có môi trường giáo dục tốt ngay từ khi còn nhỏ thông qua: Thai giáo từ trong bụng, kích hoạt ngôn ngữ phát triển sớm khi con ra đời.

Đứa trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã có khả năng lắng nghe. Nếu con thường xuyên được lắng nghe giọng nói thủ thỉ tâm tình của ba mẹ với mình, con được nghe kể chuyện đọc thơ mỗi tối, con được mẹ cho nghe nhạc, trò chuyện ngày ngày chắc hẳn khả năng ngôn ngữ của con khi chào đời sẽ phát triển tốt hơn.

Ba mẹ nên làm gì để giúp trẻ học nói tốt hơn?

Vậy những biện pháp nào ba mẹ nên sử dụng để giúp con học nói tốt hơn?

Ngoài biện pháp Thai giáo (liều thuốc bổ tinh thần vô cùng tốt cho thai nhi) mà mình đã áp dụng và nhắc đến ở trên, các mẹ có thể tham khảo một số cách sau:

  • Cho trẻ tiếp xúc với sách truyện từ nhỏ. Nhà mình bé Kiến được mẹ đọc cho nghe truyện Ehon từ khi hơn một tháng tuổi. Nhờ những ngôn từ ngắn gọn, dễ hiểu lặp đi lặp lại kèm hình ảnh tươi sáng không chỉ giúp thu hút sự chú ý của trẻ mà còn giúp con ngấm từ vựng, ngôn ngữ sau này sẽ thể hiện tốt hơn. Khi Kiến nhà mình khoảng 12 tháng tuổi, con đã lặp lại rất tốt một số cụm từ láy trong truyện như: Moi moi, rầm rầm, tít tít, ầm ầm, vù vù…. Một số bộ chuyện Ehon dành cho bé sơ sinh và các lứa tuổi, mẹ có thể tham khảo bài viết chi tiết của mẹ Kiến tại đây.
  • Trò chuyện thường xuyên với con từ khi con mới chào đời. Đặc biệt, cha mẹ chú ý nên giao tiếp bằng mắt với con, để con cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ nhiều hơn.
  • Ba mẹ nên miêu tả hoặc nói cho con nghe những sự việc mẹ sẽ làm xung quanh con. Ví dụ như mẹ chuẩn bị mở cửa sổ và mẹ sẽ nói: “Kiến ơi! Mẹ sẽ mở cửa sổ cho thoáng phòng nhé!”. Hay khi chuẩn bị đi ra ngoài chơi, mẹ sẽ luôn nói với con chúng mình cần chuẩn bị những gì để cùng nhau ra ngoài nhé!
  • Tập cho bé đếm: Thật đơn giản để mẹ cho con làm quen với việc đếm 1-2-3… thông qua những ngón tay trên bàn tay xinh, hay những bông hoa, con gà, cái cây trong đời sống quen thuộc phải không nào?
  • Cho con làm quen với những bài thơ, bài vè, câu chuyện ngắn, bài hát: Ba mẹ có thể học thuộc rồi đọc lại cho con nghe hằng ngày vào những thời điểm như: Hai mẹ con cùng nhau chơi đồ chơi, khi mẹ tắm cho con, hoặc đơn giản đi dạo bộ. Hoặc ba mẹ có thể coppy ra đài nhỏ cắm USB cho bé nghe, vừa tiện mang đi chơi và tiện sử dụng.

Những điều cần tránh khi trẻ bước vào giai đoạn tập nói

Chắc hẳn ba mẹ đã nghe câu nói quen thuộc “Cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ“. Thật   vậy, khi một đứa trẻ bước vào giai đoạn bi bô tập nói thì việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ phát triển rất nhanh. Nhiều khi người lớn sẽ giật mình bởi không biết ngôn từ ấy trẻ tiếp thu tự khi nào. Mẹ Kiến đọc diễn đàn tâm sự của rất nhiều mẹ, có một số mẹ than thở con mình chỉ mười mấy tháng mà đã biết nói bậy, chửi thề. Hỏi cụ thể ra thì hóa ra là con tiếp thu từ những người  xung quanh con, mọi người vô tình nói bậy trước mặt con và con nghe được, bộ não ghi nhận và sao chép lại mà người lớn không ngờ đến.

Do vậy, các mẹ nên:

  • Nhắc nhở những người lớn xung quanh hạn chế dùng ngôn ngữ tục tĩu trước mặt trẻ, có thể một hai lần mất lòng nhưng về lâu dài, biện pháp ấy là tối ưu. Mỗi người lớn nên là một tấm gương tốt cho trẻ noi theo.
  • Giải thích dần cho con bằng biện pháp thủ thỉ, nói chuyện cùng con rằng những từ ngữ tục tĩu không hề hay ho. Khi trẻ lớn hơn, đủ nhận thức con sẽ dần hiểu chuyện.
  • Khi trẻ phát âm chưa chuẩn, cha mẹ cần chỉnh lại cho con ngay lập tức. Ba mẹ không nên lặp lại những từ sai của trẻ vì điều này có thể làm con bị ngọng hoặc nói không tròn vành rõ chữ.
  • Ba mẹ nên khuyến khích con nói và tự do biểu đạt suy nghĩ của bản thân, tăng cơ hội để con được nói chuyện với mọi người, được giao tiếp nhiều hơn.

Hôm trước, mẹ Kiến đã được bé Kiến (12m+) dạy lại cho về phép cư xử. Khi mẹ chìa một tay xin của Kiến một tờ tiền, Kiến đã buột miệng nói rõ to: “HAI TAY”, mẹ rất ngạc nhiên vì đó là phản ứng tự nhiên con đã coppy y chang lại của người lớn như khi con xin một tay, mọi người cũng hay nhắc con xin “hai tay” như vậy. Điều này rất đúng với câu nói: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” đúng không ba mẹ?

Kết luận

Hành trình cùng con tập nói sẽ vô cùng thú vị và ý nghĩa nếu như ba mẹ đồng hành mỗi ngày cùng con, cùng con học mà chơi – chơi mà học. Phát triển ngôn ngữ sớm giúp con bày tỏ được ý muốn, cảm xúc của bản thân rõ ràng hơn, phát triển tư duy tốt hơn. Chúc các bé sẽ thật tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh và có một hành trình bi bô thật vui vẻ tràn ngập tiếng cười bên gia đình thân yêu nhé!

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của thebabytalks.com!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*