
Làm người bạn đúng nghĩa của con, mẹ cần làm những gì?
Khi bạn được ban thiên chức làm mẹ, bạn nỗ lực cố gắng để chăm sóc con mình bằng tất cả 100% tâm trí và sức lực, nhưng không phải ai cũng may mắn được thuận lợi hoàn toàn trên hành trình ấy. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao bé của mình hay cáu kỉnh? Tại sao con yêu hay nhõng nhẽo, mè nheo? Tại sao mình chẳng thể hiểu nổi con mình nữa? Con mình đang muốn gì vậy?”. Trong bài viết này, mình và các mẹ sẽ cùng nhau thảo luận về những cách thức để giúp mẹ làm người bạn đúng nghĩa của con một cách vui vẻ, thoải mái mà đạt được nhiều hiệu quả nhất nhé!
Thấu hiểu nhu cầu của con
Trước khi làm mẹ, mình đã có một thời gian khá dài nghiên cứu sâu về những đầu sách tìm hiểu cách nuôi dạy trẻ, tìm tòi về tâm sinh lý của con. Đặc thù của nghề cô giáo, mình có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều các bạn nhỏ ngay từ khi còn rất trẻ. Đôi lúc mình thấy thật may mắn vì có cơ duyên được sống đúng nghĩa cùng các bạn nhỏ, được làm bạn với những nụ cười tươi roi rói, những ánh mắt trong veo, hồn nhiên, rạng rỡ mỗi ngày. Và khi đến với nghề làm mẹ, mình lại càng thêm thấm thía hơn và biết ơn quãng thời gian đó vô cùng. Vậy nhu cầu của một đứa trẻ là gì?
Đó chính là các nhu cầu: Ăn, vệ sinh, hoạt động, ngủ. Đây chính là 4 nhu cầu xoay quanh một đứa bé ngay từ khi mới chào đời. Con sẽ được ăn khi đói, đi vệ sinh khi buồn, được tham gia các hoạt động khi thức, và lại được ngủ để tiếp thêm năng lượng cho mình. Chính vì thế, khi những người em, người bạn của mình inbox hỏi kinh nghiệm về việc chăm con mình cũng đều khuyên các mẹ mua sách, đọc sách và tìm hiểu kỹ về 4 nhu cầu này của con, để hiểu hơn về tiếng khóc của con ngay từ khi con mới chào đời. Các mẹ có thể tham khảo cuốn sách cực kỳ hay: Đọc vị mọi vấn đề của trẻ (Tại đây) hoặc bộ 3 cuốn: Nuôi con không phải là cuộc chiến mà mình đã review rất chi tiết Tại đây.
Chơi cùng con như thế nào cho Vui mà hiệu quả?
Khi con đã được mẹ hiểu và đáp ứng các nhu cầu tự nhiên: ăn – ngủ – vệ sinh, thì việc bé chơi vui vẻ trong thời gian con thức là điều rất đỗi tự nhiên. Tuy vậy, mẹ cần làm gì để thời gian con thức ấy diễn ra một cách tự nhiên và có ý nghĩa nhất?
“Chơi cùng con” được hiểu là “nhu cầu hoạt động” ở thời gian con thức. Tùy theo từng độ tuổi của bé mà mẹ nên lựa chọn các hoạt động, trò chơi cho phù hợp với con. Ở nội dung này, mình tạm đề cập đến khía cạnh chung tương tác cùng con ở lứa tuổi nhỏ. Còn các hoạt động đồng hành học tập cùng con, học mà chơi – chơi mà học, mình sẽ viết chi tiết hơn ở những bài viết sau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cách mẹ tương tác chơi và hoạt động với con như thế nào?
– Mẹ nên dành 100% thời gian chơi đó, tập trung tuyệt đối vào tương tác với con, dù chỉ 10-15 phút tập trung của mẹ cũng tốt hơn rất nhiều so với việc mẹ dành nửa ngày/ cả ngày bên con mà mẹ bị xao lãng bởi TV/ điện thoại/ tâm trí khác…
– Mẹ tương tác với con như thế nào? Mẹ không những chỉ cần tương tác bằng ánh mắt, lời nói, mà còn cần cả hành động ngôn ngữ cơ thể. Nhiều mẹ lầm tưởng, con còn bé tí hiểu mẹ nói cái gì đâu mà mẹ cần nói nhiều. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ trẻ có thể nghe giọng nói của mẹ ngay từ trong bụng (mời mẹ tìm hiểu thêm về phương pháp Thai giáo). Khi chào đời, trẻ được tiếp xúc với giọng nói của mẹ thường xuyên, và sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như mẹ giao tiếp với con thông qua ánh mắt, qua cử chỉ tay – chân – cơ thể để con hiểu hơn về lời nói và hành động của mẹ. Khi bé có một người mẹ vui tươi, hay nói, hay cười thường xuyên trò chuyện, vui đùa cùng con, chắc hẳn em bé đó cũng sẽ tươi vui, hoạt ngôn, lanh lẹ.
– Xen kẽ các hoạt động: Độ tập trung của bé sẽ hạn chế hơn người lớn. Vậy nên, mẹ cần xen kẽ các hoạt động tĩnh – động để con không có cảm giác bị nhàm chán, đặc biệt là các bé hiếu động không ngồi yên một chỗ lâu được. Một số hoạt động mẹ có thể tham khảo cho trẻ sơ sinh như: Tummy time (tập cho con nằm sấp), đọc sách, massage, kể chuyện/ đọc thơ cho con, chơi một số trò chơi đơn giản sử dụng tay/ chân như chi chi chành chành, tập tầm vông…. Khi con lớn hơn giai đoạn > 1 tuổi, mẹ có thể tham khảo một số hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi của con như: Chơi bóng, nghe nhạc và tương tác cùng mẹ (trò này bé Kiến nhà mình rất thích), đọc sách, chơi đồ hàng…
– Sáng tạo hoạt động cho con: Điều này rất quan trọng, vì trẻ con dễ bị lôi cuốn, bị thu hút bởi các điều mới lạ. Mẹ có thể sử dụng một số đồ không dùng nữa làm đồ handmade cho con chơi như: Vỏ sữa chua, chai lọ, bìa carton… Khi con lớn hơn một chút, các mẹ có thể cùng con tô màu, làm đồ chơi, đồ dùng từ các nguyên vật liệu ấy.
Trên đây là một số hoạt động và cách thức tương tác chơi cùng con như thế nào cho hiệu quả mà mình đã đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy bạn bé nhà mình.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy