
Làm sao để trẻ yêu thích việc ăn uống?
1. Đảm bảo trẻ luôn ăn sáng
Bữa sáng đặc biệt quan trọng với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu như con bỏ ăn sáng, điều này có thể khiến trẻ mệt mỏi, thiếu năng lượng cho các hoạt động. Do vậy, mẹ nên chuẩn bị bữa sáng cho trẻ, để đảm bảo trẻ được cung cấp bữa sáng lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất, điều này có thể cải thiện sự thèm ăn của trẻ.
2. Trao cho trẻ cơ hội được ăn đa dạng các món
Việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đa dạng các món ăn trong năm đầu đời có thể gây ra thói quen ăn uống kén chọn. Nếu một đứa trẻ chỉ được cho ăn thức ăn xay nhuyễn hoặc cháo nhạt quá lâu, thì chúng có thể rất dễ từ chối tiếp nhận các loại thức ăn khác. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, ở thời điểm sau 6 tháng tuổi (độ tuổi bắt đầu tập ăn dặm), việc tiếp xúc với nhiều loại thức ăn có mùi vị và kết cấu là rất quan trọng cho việc ăn đa dạng các loại thức ăn trong tương lai.
2. Thấu hiểu được sở thích của con
Với thức ăn, trẻ nhỏ rất muốn biết thức ăn có mùi vị như thế nào và cảm giác như thế nào trong miệng chúng. Vì vậy, trước khi đi đến kết luận rằng con bạn không thích một loại thức ăn nào đó, hãy thử giải thích một chút về hương vị, kết cấu của đồ ăn trước khi yêu cầu con thử một chút. Việc miêu tả đồ ăn này có tác dụng kỳ diệu đối với những trẻ kén ăn.
3. Xem lại cách người chăm sóc phản ứng với đồ ăn
Cách mà người chăm sóc phản ứng với đồ ăn có mối liên hệ mật thiết với việc trẻ chấp nhận thức ăn. Nếu bạn thoải mái và vui vẻ, hào hứng trong việc tiếp nhận đồ ăn, trẻ cũng sẽ như vậy. Nếu bạn kén ăn, chán nản hoặc có thể không thể hiện sự thích thú với bữa ăn, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách trẻ chấp nhận thức ăn mới. Do vậy, bạn hãy cố gắng để tạo không khí vui tươi, thoải mái cho bữa ăn của con mình bằng cách thử ăn những món mới cùng nhau.
Ở giai đoạn tập ăn dặm, khi giới thiệu món ăn mới cho bé nhà mình, mình thường dùng khuôn mặt rất hứng khởi khi mang khay ăn đến trước mặt con: “Wow! Con nhìn xem nay chúng ta có món gì ăn này….bông hoa cà rốt màu cam đẹp quá, hay những củ khoai tròn tròn, thơm bùi ngậy ngon lắm, con có muốn thử một miếng không nào?”. Đi kèm với đó là đưa dĩa, thìa cho con xử lý thức ăn, mẹ có thể ở bên quan sát, động viên con ăn trong giai đoạn bé tập ăn đa dạng các món.
4. Xây dựng quy tắc bàn ăn
Nhà mình luôn nói không với việc “ăn rong”, không xem TV, điện thoại, hay chơi đồ chơi khi con đang ăn. Việc tập trung nhìn vào màn hình TV, hay điện thoại khiến cho con bị phân tâm và không thể cảm nhận được hương vị của món ăn, nhiều bé nuốt chửng thức ăn hay ngậm thức ăn rất lâu. Nếu việc ăn uống cứ tiếp tục kéo dài như vậy trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến dạ dày, từ đó dẫn đến những vấn đề về sức khỏe của bé.
Để các con có thói quen ăn uống tốt về sau, các mẹ nên thiết lập một thói quen tốt nhất là từ khi con mới tập ăn dặm. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp hay, hữu ích cho cả mẹ và bé, tuy nhiên mẹ nên lựa chọn phương pháp phù hợp với con mình. Các mẹ có thể tham khảo sách ăn dặm không phải là cuộc chiến – cuốn sách cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho mẹ trên hành trình định hướng và phát triển thói quen ăn uống cho con yêu của mình.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy