
Làm thế nào để vượt qua trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh luôn là một trong những vấn đề rất nhạy cảm và không khó bắt gặp trong cuộc sống xô bồ ngày nay. Trầm cảm là bệnh lý thường để lại những hậu quả khó lường cho bản thân và gia đình người bệnh nếu bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Vậy làm thế nào để vượt qua trầm cảm sau sinh? Trong bài viết này thebabytalks.com sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa để vượt qua trầm cảm ở phụ nữ sau sinh nhé!
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TRẦM CẢM SAU SINH LÀ GÌ?
- Thiếu ngủ: Đêm phải dậy cho con bú nhiều lần, nhiều bé còn khóc dạ đề.
- Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Thay đổi nội tiết tố trong thời kì mang thai và sau khi sinh khiến người mẹ trở nên nhạy cảm hơn, có thể tác động làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.
- Tinh thần mẹ thay đổi khi có con: Lo lắng, hoang mang, sợ hãi….đặc biệt khi con quấy khóc nhiều. Một số mẹ quá cầu toàn, vì mẹ đã tham khảo nhiều tài liệu về nuôi dạy con nhưng con mình lại không giống với em bé trong sách.
- Mệt mỏi: Rất nhiều mẹ cảm thấy sức khỏe tụt dốc, mệt mỏi vô cùng sau khi sinh. Họ phải mất rất nhiều thời gian để hồi phục lại năng lượng đặc biệt ở những mẹ phải mổ lấy thai – thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn.
- Trầm cảm từ khi mang thai: Một số mẹ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai.
- Mâu thuẫn với người thân trong gia đình: Thiếu sự giúp đỡ của người thân hay mâu thuẫn trong việc can thiệp sâu về vấn đề nuôi dạy con, thiếu sự đồng cảm từ người bạn đời.
Phòng ngừa trầm cảm sau sinh và cách để vượt qua trầm cảm
Ngay từ khi mang thai:
Đối với phụ nữ ngay từ khi mang thai, mẹ nên tham gia các hoạt động tích cực như đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc, đọc sách, tham khảo kiến thức từ người có kinh nghiệm thai kỳ… giữ cho mình tâm trạng vui vẻ.
Sau khi sinh:
+ Mẹ không nên bi quan, không kiêng khem quá mức nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân như đánh răng, tắm gội…. như quan niệm xưa. Theo tư vấn bác sĩ, mẹ sinh thường khoẻ mạnh, 24h sau sinh có thể tắm gội, còn với mẹ sinh mổ cần khoảng một tuần. Tuy nhiên, cả hai trường hợp nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn an toàn nhất cho sức khỏe.
+ Mẹ nên tranh thủ ngủ khi con ngủ để lấy lại sức.
+ Mẹ nên ăn đầy đủ chất. Việc ăn đầy đủ chất đa dạng các thực phẩm sẽ giúp mẹ ngon miệng hơn, tiết sữa nhiều hơn. (Mẹ chỉ nên kiêng một số thực phẩm gây mất sữa, tham khảo bài viết về thực phẩm mất sữa tại đây).
+ Mẹ cần yêu cầu giúp đỡ, chia sẻ việc chăm sóc bé với chồng, với người thân trong nhà. Mẹ nên giảm tính cầu toàn đi một chút xíu vì cách chăm bé của mỗi người là không giống nhau. Việc chia sẻ sẽ giúp giảm tiêu cực trong suy nghĩ, mẹ sẽ cảm thấy được an ủi, không cô đơn.
+ Đưa bé đi dạo, hít thở không khí trong lành.
+ Tập thể dục, nghe nhạc, đọc sách.
+ Giữ vững tinh thần cho bản thân. Mẹ nên tự nhủ với chính mình rằng những cảm xúc tiêu cực là do hormone gây ra, và sẽ nhanh chóng qua đi. Thay vào đó mẹ nên có một số hoạt động, vận động như dọn phòng, dọn tủ quần áo kèm nghe nhạc song song sẽ giúp cân bằng tâm trí hơn.
+ Bớt quan tâm tới những lời nhận xét so sánh con của bạn với những em bé khác. Mình thường hay kiểu nghe tai nọ, ra tai kia khi nghe những bình luận về cân nặng, chiều cao hay so sánh kỹ năng của bé. Bởi vì không bé nào giống bé nào, chỉ cần con mình phát triển khỏe mạnh, nhanh nhẹn là người làm mẹ đã rất yên tâm rồi.
+ Cần sự trợ giúp từ bác sĩ: Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra sớm sau sinh để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh. Nếu mẹ có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị điều trị chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý ngay sau khi sinh.
Hi vọng thông qua bài viết này, mình hi vọng các mẹ sẽ có thêm cho mình những kiến thức để phòng ngừa và vượt qua trầm cảm sau sinh. Thiên chức làm mẹ vô cùng quan trọng, hi vọng các mẹ sẽ biết cách lắng nghe cơ thể mình, tôn trọng cảm xúc của mình, học cách thư giãn để trở thành người mẹ vui vẻ, chăm sóc con yêu một cách tốt nhất nhé!
Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy