
Mấy tháng nên bắt đầu cho bé ăn dặm?
“Tập cho bé ăn dặm từ tháng thứ mấy là tốt nhất?” đó là câu hỏi mà rất nhiều các bà mẹ trẻ băn khoăn hiện nay, đặc biệt là các mẹ mới sinh con đầu lòng. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Trong bài viết này, mình cùng các mẹ sẽ đi sâu tìm hiểu về độ tuổi ăn dặm hợp lý dành cho con yêu của mình nhé.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em từ 4-6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu tập ăn dặm. Hệ tiêu hóa của bé trong giai đoạn này đã phát triển hoàn thiện hơn và có tiết ra một loại enzyme có chức năng tiêu hóa tinh bột. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn chưa có khả năng hấp thụ trọn vẹn protein, trẻ dễ dàng mắc các bệnh về đường ruột.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu được cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Đây là thời điểm cần bổ sung ăn dặm cho trẻ bởi vì:
• Hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ.
• Tốc độ tăng trưởng của trẻ tăng lên, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu cho bé.
Ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi giúp trẻ phát triển, hoạt động tốt và khỏe mạnh hơn. Có nhiều mẹ cho rằng sau 6 tháng sữa mẹ đã giảm dinh dưỡng nên cần bổ sung ăn dặm. Đây là suy nghĩ chưa xác. Sữa mẹ vẫn giữ nguyên dưỡng chất, tuy nhiên không đủ cho nhu cầu phát triển ngày càng cao của bé.
Tại sao không nên cho trẻ ăn dặm khi con chưa tròn 6 tháng tuổi?
- Hệ tiêu hóa của trẻ lúc này chưa hoàn chỉnh để tiêu hóa các thực phẩm ăn dặm, từ đó dễ xuất hiện rối loạn tiêu hóa.
- Thiếu vi chất dinh dưỡng vì khi ăn dặm trẻ thường sẽ bú ít sữa mẹ, bỏ lỡ nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ.
- Giảm bú mẹ sẽ dẫn tới giảm phản xạ tiết sữa, mẹ có nguy cơ mất sữa sớm.
- Sự phối hợp các cơ vẫn đang phát triển. Sau 6 tháng, bé sẽ xử lý và nuốt thức ăn dễ dàng hơn, giảm nguy cơ bị nghẹn.
- Tăng nguy cơ dị ứng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bắt đầu ăn dặm là gì?
Nếu thấy bé có những dấu hiệu sau đây, mẹ nên biết là bé đã sẵn sàng ăn dặm:
- Khi bé đã có thể ngồi vững, bé có thể kiểm soát được đầu và cổ mà không cần hoặc ít cần sự trợ giúp của người lớn thì lúc này mẹ có thể cho con ăn dặm.
- Miệng bé sẽ bắt chước nhai nhóp nhép khi thấy ai đó ăn cũng là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm.
- Bé thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà cha mẹ cho ăn. Bé với tay chộp đồ ăn và đưa đồ ăn vào mồm một cách chính xác.
Với bé Kiến nhà mình, khi con được 6 tháng tuổi, con đã có những dấu hiệu đòi ăn dặm khi tham gia cùng bữa cơm gia đình. Mình vẫn nhớ ở thời điểm đó lần đầu tiên con được mút thịt gà, con vô cùng hào hứng và sung sướng, thậm chí cuống quýt cáu ầm lên vơ đồ ăn vào miệng khi miếng thịt gà bị bỏ ra. Lúc này mẹ nhận thấy đã đến lúc cần bổ sung thực phẩm ăn dặm cho con rồi. Trộm vía, Kiến nhà mình rất hợp tác những phương pháp mà mẹ áp dụng cho con. (Mình sẽ kể chi tiết hơn về việc cho Kiến ăn dặm ở bài viết ăn dặm bé chỉ huy BLW kết hợp với phương pháp đút thìa sau này).
Tóm lại, mỗi bé có thể trạng và đặc điểm phát triển khác nhau, chính vì vậy các mẹ không nên so sánh việc ăn dặm của con mình với các bé khác. Đồng thời chúng ta cũng không nên ép trẻ ăn, sẽ khiến trẻ nhanh chán, dễ gây biếng ăn ở trẻ.
Hi vọng thông qua bài viết này các mẹ đã có thể hiểu rõ hơn về độ tuổi ăn dặm dành cho bé yêu của mình. Hãy quan sát trẻ và tập cho bé ăn dặm vào thời điểm vàng các mẹ nhé!
Để lại một phản hồi Hủy