
Mẹ ăn lá tía tô có giúp bé hạ sốt khi đi tiêm phòng?
Như các mẹ đã biết, trẻ em bạn nào cũng phải trải qua giai đoạn tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh như: ho gà, bạch hầu, bại liệt, uốn ván, viêm màng não, viêm phổi,… Tuy nhiên, sau mỗi lần tiêm trẻ thường bị sốt, đau và sưng đỏ chỗ tiêm, quấy khóc, ăn ngủ kém. Ăn lá tía tô trước khi đi tiêm phòng là mẹo dân gian mọi người áp dụng để trị sốt và giảm sốt cho con. Vậy việc mẹ ăn lá tía tô có giúp bé hạ sốt khi đi tiêm phòng hay không, chúng ta sẽ cùng thebabytalks.com tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Thực hư chuyện dùng lá tía tô trước khi tiêm phòng giúp hạ sốt cho bé
Trong y học cổ truyền, tía tô là vị thuốc có thể kích thích ra mồ hôi. Nước sắc và cồn chiết xuất từ lá tía tô có tác dụng giãn mạch ngoài da, giúp người bệnh hạ sốt, trừ cảm mạo. Hạt tía tô chế thành trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.
Tuy nhiên việc người mẹ uống nước tía tô để cho con bú ngừa bé bị sốt thì chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chứng minh. Do đó mẹ không nên dùng cho mục đích này với số lượng lá tía tô lớn. Ba mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trong video đến từ VNVC sau:
Trẻ bị sốt nhẹ, đau và sưng sau khi tiêm phòng là phản ứng rất bình thường. Đó là phản ứng sau khi cơ thể tiếp nhận vaccine như một tác nhân lạ và phản ứng lại.
Vì đau nên trẻ sẽ quấy khóc và có thể bỏ bú, ăn kém. Tuy nhiên, tình trạng này nếu có cũng chỉ kéo dài 1-2 ngày, ba mẹ không nên quá lo lắng.
2. Ba mẹ nên làm gì khi trẻ đi tiêm về bị sốt?
Ba mẹ cần cập nhật kiến thức về các phản ứng thường gặp của một số loại vaccine và có cách giảm đau, hạ sốt sau khi tiêm phòng cho trẻ hiệu quả và an toàn. Cụ thể như sau:
– Kiểm tra thường xuyên con, đặc biệt là vào ban đêm.
– Cho con mặc quần áo thoáng mát vào mùa hè và mặc quần áo đủ ấm vào mùa đông.
– Cho con uống nước hoặc bú thật nhiều để tránh việc con bị mất nước do sốt.
– Khi con bị sốt, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của con 2 – 3 giờ/lần hoặc 15-30 phút/lần nếu con bắt đầu sốt trên 38 độ C. Nếu con sốt trên 38,5 độ C mẹ cần cho con dùng thuốc hạ sốt (đường uống hoặc đặt hậu môn); còn nhiệt độ ở dưới 38 độ C, mẹ chỉ cần theo dõi và chườm ấm cho con (có thể chườm bằng nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C) hoặc dán trán bằng miếng dán hạ sốt.
– Khi bế con, tránh chạm hay tì đè vào vết tiêm.
– Không xoa dầu, chườm nóng hay đắp bất kỳ chất gì vào vị trí tiêm (lá cây, chanh, khoai tây…) vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
– Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
– Trường hợp trẻ phản ứng nặng sau tiêm (tỷ lệ này thường rất hiếm xảy ra) như sốt cao trên 39 độ C kèm co giật, tím tái, khó thở…, cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Trên đây là kinh nghiệm dùng lá tía tô vào mục đích giảm sốt khi tiêm phòng cho bé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Thebabytalks.com!
Để lại một phản hồi Hủy