Nhà có Tết và đừng làm mất Tết

Nhà có tết và đừng làm mất tết
Nhà có tết và đừng làm mất tết

Nhà có tết và đừng làm mất Tết

Tết à, Tết chẳng phải ngày đầu năm, cũng chẳng phải một ngày cuối năm. Tết kéo dài từ ngày 30 của năm cũ cho tới hết ngày mùng 3 của năm mới. Vậy Tết là khoảng thời gian chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Câu chuyện ngày hôm nay của Thành bắt đầu từ nhà có Tết và làm sao đừng làm mất Tết. Oke bắt đầu nghe Thành kể chuyện nào!

Nhà có tết, Chuyện dọn dẹp nhà cửa.

Nhà Thành có tới 3 thanh niên, Thành, Công và Thảo, việc đầu tiên chuẩn bị cho tết đó là việc dọn nhà. Tuy có tới 3 thanh niên nhưng chỉ có Thành và Công thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa với sự giúp sức của thanh niên cứng đó là Bà Nội. Nhà Thành cũng giống nhà các bạn mà thôi, lau hết lại nhà, mang đồ đạc dọn dẹp lại cái gì cần bỏ thì bỏ, cái gì cần cất đi thì cất. Mỗi người 1 việc, người lau, người quét và người dọn đồ. Và hết ngày 28 cũng đã xong xuôi hết việc dọn nhà, trời thì mưa tầm tã, nhưng cũng vẫn thấy không khí tết đang đến gần hơn.

Chuyện gói bánh Chưng.

Mẹ Thành ngâm gạo gói bánh và luộc lá bánh từ chiều 28 và dự kiến sáng ngày 29 thì gói bánh Chưng. Tối đến trước khi đi ngủ bạn Thảo hí hửng sáng mai dậy gói bánh và sẽ học gói bánh bằng toàn bộ lá chít không dùng tới lá dong. Nhưng, sáng ngày hôm sau khi thức dậy đã thấy mẹ đang cho bếp lên luộc bánh Chưng, và mẹ bảo đêm qua 2h dậy gói tới 4h30 thì xong. Thế là bạn Thảo chẳng được gói bánh và cũng chẳng được học gói bánh. Nhà mình trông nồi bánh tới 9h tối mới với bánh, vậy là nhà lại có thêm chút hương vị của Tết rùi.

Chuyện lễ tết

Mấy năm nay, việc lễ tết thường do Thành và Thảo thực hiện. Nhà bà ngoại Kiến thì Thành và Thảo đã lễ tết từ hôm 21 âm lịch. Nhà bố nuôi Thành thì cả nhà Thành đã ra lễ Tết vào hôm 27 âm lịch. Hôm 29 Tết, buổi sáng ngủ dậy, sau việc học gói bánh Chưng của Thảo bị hụt thì mẹ giao nhiệm vụ cho 2 đứa đi lễ Tết nhà bà ngoại Thành. Hai đứa đi xuống bà ngoại lễ Tết và ăn cơm luôn dưới nhà bà tới buổi trưa mới về. Trên đường về tiện ghé qua chợ mua luôn một bó hoa dơn về cắm trang trí nhà cửa. Vậy là cơ bản cũng đã xong chuyện lễ Tết. Lễ Tết cũng là một nét đẹp của người Việt trong tết Việt.

Chuyện mời các cụ về ăn Tết.

Nhiều năm trước, khi ông nội Thành vẫn còn, hàng năm Thành đều được ông chở đi mời các cụ về ăn Tết. Thành ở quê nên mộ các cụ không được tập trung mà được đặt ở nhiều khu vực khác nhau, phải đi mất cả tới gần 2 tiếng mới mời hết các cụ về ăn Tết. Năm nay, Bố của Thành thực hiện nhiệm vụ đó, và chiều ngày 29 bố của Thành đã đi mời các cụ về ăn Tết. Đây là một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt khi Tết về.

Chuyện tất niên

Thành nhớ là có những năm, từ 28 Tết là Thành được đi ăn tất niên tới tận ngày 30 Tết ở nhà người thân khi họ thịt lợn ăn Tết. Nhưng năm nay, do dịch bệnh nên chẳng được đi đâu, chiều ngày 29 Tết sau khi bố của Thành đi mời các cụ về ăn Tết nhà Thành đã làm một mâm cỗ nho nhỏ và cả nhà cùng nhau ăn tất niên.

Chuyện giao thừa

Không biết chỗ các bạn thế nào, chứ chỗ Thành thì đêm giao thừa ngắm pháo hoa thỏa thích, đêm giao thừa cả bầu trời sáng rực pháo hoa. Nhà Thành thường chuẩn bị một mâm cúng giao thừa và chờ đợi tới giao thừa ra ngắm pháo hoa rùi mới đi ngủ.

Đó là một số hương vị nho nhỏ giúp nhà có Tết mà Thành kể với chính chuyện nhà Thành, đây là nhật ký tết 2021 Thành ghi lại. Và bây giờ chuyển qua phần tiếp theo đó là đừng làm mất Tết. Với một góc nhìn của Thành thực ra thì vẫn hơi trẻ con một tý, à mà cũng hợp lý, Thành sẽ đứng ở góc độ một em bé và kể cho các bạn nghe câu chuyện mất Tết.

Chuyện dịch ơi đừng đến.

Là một đứa bé, còn đang tuổi đi học thì đứa nào cũng mong ngóng từng ngày tới ngày nghỉ Tết và muốn làm sao cho ngày nghỉ dài ra và thật lâu mới tới ngày đi học. Thành cũng vậy, cũng thích thế nhưng dài quá thì cũng không nên. Nhưng thật bất ngờ, năm 2020 đã có kỳ nghỉ Tết kéo dài tới cả tháng trời và năm nay covid cũng làm cho kỳ nghỉ Tết đến sớm hơn dự kiến và chưa biết ngày đi học trở lại. Thực tế thì năm ngoái bé đã có chút vui vui vì thấy sự khác lạ, nhưng năm nay bé lại chẳng còn vui như năm ngoái nữa. Vì nghĩ hết Tết chẳng được đi đâu, chẳng được được gặp bạn bè, thầy cô…buồn quá.

Chuyện ba mẹ cãi nhau, đánh nhau.

Ba mẹ cãi nhau người khổ nhất là những đứa con, và đặc biệt cãi nhau dịp Tết thì lại càng làm những đứa con buồn hơn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc cãi nhau giữa ba và mẹ. Nhưng theo Thành một người yêu chủ nghĩa hòa bình thì mọi người nên tôn trọng nhau mà sống đừng cãi nhau, vì điều này sẽ làm mất Tết của những em bé trong nhà.

Chuyện kinh tế

Tết nhà nghèo là một cái tết không trọn vẹn. Thành cũng đã từng có những cái tết không trọn vẹn như vậy. Khi nhà Thành còn rất nghèo, Tết thiếu nhiều thứ lắm, và cái thời chỉ chờ tới Tết để được mua vài bộ quần áo mới mà cũng không có. Và bây giờ vẫn còn rất nhiều em bé vẫn đang chịu một cái cảnh Tết không trọn vẹn. Nên là ba mẹ, ông bà khi đi làm cả năm thì các bạn cố gắng đừng để đến 30 Tết mà không còn đồng nào để sắm cho những em bé một chút đồ mới nhé.

Chuyện bài bạc

Cờ bạc là bác thằng bần, các cụ đã có câu ca như vậy rùi. Nhưng thật khó hiểu đa phần trong mỗi người đều có những ham muốn khi chơi cờ bạc và rất nhiều người sa đọa vào đó. Và Tết lại là khoảng thời gian các con bạc chơi nhiều hơn. Nếu là con bạc thắng bạc thì không sao, nhưng là một con bạc thua bạc thì tâm lý thay đổi rất nhiều, rất nóng tính với trẻ con và chẳng còn muốn có Tết làm gì nữa. Nên đừng làm mất tết nhà khác hoặc bảo toàn Tết nhà mình thì đừng có chơi bạc.

Chuyện rượu chè

Chén chú chén anh ngã nhào và đắp chiếu. Chén rượu đầu xuân thường được mọi người chúc mừng nhau. Nhưng sẽ thật nguy hiểm nếu chúc nhau quá nhiều, Thành đã nhiều lần chứng kiến “lưu thủy” chục chén và bềnh càng. Nên sử dụng rượu chè vừa phải để tránh mất Tết.

Nhà có Tết và đừng làm mất Tết là góc nhìn từ Thành, và đương nhiên ai cũng muốn nhà có Tết. Hi vọng với những ai đọc được bài viết này của Thành thì nhà luôn có Tết. Chúc mừng năm mới, chúc mọi người một năm mới thành công và hạnh phúc.

Theo dõi và liên hệ qua Facebook và YouTube .

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*