
Phân biệt giữa hóc và oẹ khi bé ăn dặm
Phân biệt giữa hóc và oẹ khi bé ăn dặm? Hiểu được vấn đề này sẽ giúp cho các mẹ chủ động hơn trong quá trình đồng hành cùng con trên con đường ăn dặm.
“Này, sao lại để cho con ăn thế? Con nó hóc bây giờ”
Đó là câu nói rất quen thuộc không chỉ riêng mình mẹ Kiến mà còn rất nhiều mẹ khác cũng thường xuyên được nghe khi cho con ăn dặm theo phương pháp BLW.
Mình vẫn còn nhớ khi lần đầu tiên cho Kiến đi ăn cỗ, lúc đó con được khoảng 7 tháng tuổi. Ở tuổi đó, mẹ đã không cần chuẩn bị đồ ăn dặm mang theo cho con cả ngày. Con đã ung dung tự tin cầm nắm đồ ăn và nhai nuốt một cách thoải mái.
Vậy con ăn dặm thô sớm có lo bị hóc không? Và khi nào thì con bị oẹ? Oẹ và hóc khác nhau ở điểm gì?
Trong bài viết này, mình sẽ cùng các mẹ tìm hiểu và phân biệt giữa óc và oẹ nhé!
Phân biệt giữa hóc và oẹ
Trường hợp oẹ thường xảy ra khi con ăn phải một miếng thức ăn hơi to so với khả năng nuốt, cơ thể con sẽ điều chỉnh để tự bảo vệ mình bằng cách đẩy miếng thức ăn đó ra ngoài. Thức ăn khiến con oẹ có thể là miếng thức ăn to hơn so với cổ họng làm con không nuốt được, hoặc là hơi to hơn độ thô bình thường con vẫn ăn làm con sợ không dám nuốt.
Oẹ ở em bé khác oẹ ở người lớn, đó là cơ chế oẹ có thể được kích hoạt ngay khi thức ăn mới ở cuống lưỡi chứ chưa đi vào sâu bên trong gây nguy hiểm. Oẹ là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bé, là một phần tất yếu trong quá trình học ăn của con, và thật sự không đáng sợ. Có rất nhiều người lầm tưởng rằng ọe và hóc giống nhau và cảm thấy lo sợ khi bé ho, sặc và nôn trớ ra thức ăn. Tuy nhiên ho và ọe ra thức ăn thực chất lại là dấu hiệu cho thấy bé đang tự giải quyết được vấn đề. Sau một vài lần ọe do nuốt miếng quá to hay cho quá nhiều thức ăn vào mồm thì bé sẽ học được là không nên làm như thế nữa.
Ngược lại, trường hợp hóc, hay nghẹn thì đáng sợ hơn. Lúc này miếng thức ăn đã chèn vào đường hô hấp của bé. Con thường sẽ im lặng, mặt tím ngắt hoặc đỏ tím, không thể nôn oẹ, không thể khóc hoặc ho hay kêu vì lúc này đường thở đã bị dị vật bít kín. Lúc này việc mẹ cần làm là TUYỆT ĐỐI KHÔNG móc tay vào họng con lấy miếng thức ăn ra, vì hành động này không giúp cho bé khỏi nghẹn nhanh mà thậm chí còn đẩy các dị vật đi sâu hơn vào đường thở, dẫn đến nguy cơ bị hóc tăng cao, làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp đó, bố mẹ cần cố gắng bình tĩnh để sơ cứu cho con, trợ giúp con để đẩy dị vật ra bằng các phương pháp sơ cấp cứu khẩn cấp. Mẹ phải ngay lập tức sơ cứu cho trẻ bằng cách vỗ vào lưng hoặc ấn sâu vào lồng ngực để dị vật được đẩy ra khỏi đường thở.
Vì vậy, ba mẹ hãy cho bé ngồi vào ghế ăn dặm để bé luôn ngồi thẳng lưng khi ăn và bé được chủ động điều tiết việc ăn uống của bản thân, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Ba mẹ nên khuyến khích bé ăn nhưng không đùa cợt nói chuyện quá nhiều trong khi bé ăn và phải luôn quan sát chú ý khi bé ăn. Một khi các bé được chủ động kiểm soát việc đưa thức ăn vào miệng mình, được ăn các loại đồ ăn phù hợp với từng giai đoạn tập ăn và được ngồi thẳng lưng thì các bé sẽ ít khi bị hóc.
#hócvàoẹ
Để lại một phản hồi Hủy