Phương pháp ăn dặm nào phù hợp nhất với bé?

Cách cho bé ăn dặm

Ngày nay, trên các diễn đàn mạng xã hội các mẹ đang chia sẻ rầm rộ rất nhiều những công thức nấu ăn ngon, những món ăn dặm đa dạng theo từng giai đoạn cho bé yêu của mình. Bên cạnh đó, cũng có những sách ăn dặm được các mẹ truy lùng tìm đọc phổ biến như: Ăn dặm bé chỉ huy (BLW), Ăn dặm kiểu Nhật, Ăn dặm không nước mắt, Ăn dặm không phải là cuộc chiến…Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra: “Phương pháp ăn dặm nào là phù hợp nhất với bé?” lại khiến nhiều mẹ băn khoăn khi bé yêu của mình đến tuổi ăn dặm. Trong bài viết này, mẹ Kiến sẽ phân tích cho các bạn những ưu nhược điểm của ba phương pháp ăn dặm đang được nhiều mẹ áp dụng hiện nay.

Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm từ khi con được tròn 6 tháng tuổi. Lý do bởi vì lúc này hệ tiêu hóa trong cơ thể bé đã phát triển tương đối hoàn chỉnh và có thể hấp thụ được những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ. Tuy nhiên để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, các cha mẹ cần dựa vào những dấu hiệu dưới đây của trẻ:

  • Khi bé đã có thể ngồi vững, bé có thể kiểm soát được đầu và cổ mà không cần hoặc ít cần sự trợ giúp của người lớn thì lúc này mẹ có thể cho con ăn dặm.
  • Miệng bé sẽ bắt chước nhai nhóp nhép khi thấy ai đó ăn cũng là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm.
  • Bé thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà cha mẹ cho ăn. Bé với tay chộp đồ ăn và đưa đồ ăn vào mồm một cách chính xác. 

Hiện nay có nhiều phương pháp ăn dặm cho bé mà cha mẹ có thể lựa chọn, tuy nhiên trong bài viết này mình sẽ nói kỹ về 3 phương pháp ăn dặm phổ biến sau: phương pháp ăn dặm truyền thống (ADTT), ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm bé chỉ huy (BLW). 

1. Phương pháp ăn dặm truyền thống  (ADTT)

Đây là phương pháp vô cùng phổ biến với các mẹ Việt Nam. Giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm, các bé sẽ ăn bột xay chung với các loại thực phẩm khác nhau như thịt, cá, rau. Đến khi bé mọc răng, con sẽ được đổi sang ăn cháo kèm thức ăn xay nhuyễn.

Ưu điểm:

– Thức ăn được xay nhuyễn giúp bé tiêu hóa dễ dàng.

– Không tốn nhiều thời gian cho khâu chế biến, công thức đơn giản, phù hợp với những mẹ bận rộn.

– Bé có thể ăn được khẩu phần nhiều ngay từ lúc mới tập ăn nên dễ tăng cân tốt.

– Phương pháp này dễ nhận được sự ủng hộ của gia đình.

Nhược điểm:

– Vì nhiều loại thức ăn cùng được xay nhuyễn và pha trộn lại với nhau nên bé khó cảm nhận được mùi vị và trường hợp bé bị dị ứng thực phẩm, mẹ sẽ khó phát hiện ra bé dị ứng với loại thức ăn nào.

– Bé ăn nhiều thức ăn xay nhuyễn có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thô, không tập được phản xạ nhai cho bé.

2. Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)

Đây là phương pháp cho bé ăn dặm đang được rất nhiều mẹ Việt ưu ái. Với phương pháp này, bé bắt đầu tập ăn dặm từ 5-6 tháng tuổi với cháo loãng theo tỷ lệ 1:10 chứ không quấy thành bột. Độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé. Ngoài cháo, các bé sẽ được ăn các loại thực phẩm khác như thịt, cá, rau xanh với độ thô phù hợp.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là trẻ được ăn riêng từng loại thức ăn, đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin, và đạm theo chuẩn: vàng – đỏ – xanh.

Ăn dặm kiểu Nhật
Ưu điểm:

– Bé làm quen được với các loại thức ăn khác nhau, bé làm quen tốt hơn với mùi vị thực phẩm.

– Ăn theo phương pháp này tốt cho thận của trẻ.

– Bé không bị gò ép, tạo cảm giác thoải mái khi ăn đồng thời tạo được thói quen ngồi ăn nhanh và tập trung.

Nhược điểm:

– Trong giai đoạn đầu chuẩn bị, mẹ sẽ rất mất thời gian, công sức khi phải chuẩn bị riêng từng món. Mẹ có thể nhàn hơn về khoản trữ đông nhưng thức ăn không thể thơm ngon như thực phẩm tươi được.

3. Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW)

Với phương pháp này, bé sẽ được tự quyết định quá trình ăn của mình ngay từ đầu. Các mẹ Tây vô cùng ưa chuộng phương pháp này vì bé cực kỳ tự lập và tự quyết trong việc ăn uống. Ngay từ lần ăn dặm đầu tiên, bé sẽ được tập ăn thô y như người lớn. Không nhằm mục đích “nhồi nhét” thực phẩm vào dạ dày của bé, ăn dặm tự chỉ huy chủ yếu tập trung vào việc tập cho bé  kỹ năng nhai, nuốt chứ không chú trọng quá tới việc bé ăn được bao nhiêu. Trong giai đoạn này, nguồn dinh dưỡng chính của bé vẫn là sữa.

Với phương pháp này, mẹ sẽ chuẩn bị cho bé những thức ăn nguyên miếng, được hầm mềm như su su, cà rốt, su hào, súp lơ, chuối… Bé sẽ “tự chọn” món ăn yêu thích của mình để cho vào miệng.

Khay ăn BLW

Ưu điểm: 

– Bé có phản xạ nhai và nuốt cực tốt.

– Bé được chủ động “nắm quyền” kiểm soát thức ăn, nhờ đó được tự do khám phá các mùi vị mình thích.

– Bé có thể dễ dàng tham gia cùng mọi người trong gia đình khi đến bữa ăn, mẹ không cần mất nhiều thời gian của riêng bé, cách chế biến đồ ăn của bé sẽ giống như thức ăn của người lớn chỉ là ở dạng mềm hơn chút thôi.

– Bé có khả năng tự cầm thìa xúc từ rất sớm.

– Tạo tiền đề tốt cho bé tự lập trong giai đoạn ăn uống sau này.

Nhược điểm:

– Bé tự ăn nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể không được kiểm soát, dễ bị sụt cân, chững cân.

– Vì ngay từ khi bắt đầu bé đã ăn đồ cứng nên có nguy cơ bị hóc.

– Mẹ tốn thời gian dọn dẹp “chiến trường” sau khi bé ăn xong.

– Phương pháp này có thể không nhận được sự ủng hộ của gia đình.

Các mẹ có thể thấy, mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu, nhược điểm nhất định và không có phương pháp nào là hoàn hảo nhất. Thay vì cứng nhắc gượng ép trẻ theo một phương pháp ăn dặm nhất định, mẹ nên cho bé ăn tùy theo khả năng, cũng như sở thích của con mình. Hơn nữa, mẹ cũng có thể chọn cách kết hợp nhiều phương pháp ăn dặm với nhau để có phương pháp phù hợp nhất. Do đó, mẹ cần quan sát và lựa chọn cho bé phương pháp ăn dặm phù hợp với sở thích, thói quen và thể trạng để đạt được kết quả tốt nhất. 

Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp các mẹ có thêm kiến thức ăn dặm cho bé yêu của mình nhé!

P/s:  Mẹ Kiến chia sẻ thêm cho các mẹ link các đầu sách ăn dặm (cùng rất nhiều sách nuôi dạy con khác) đọc online miễn phí (dành cho mẹ nào cần nhé).

Sưu tập Đọc và Học

#ăndặmchỉhuy

#ăndặmkiểuNhật

#ăndặmtruyềnthống

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*