Review sách: Cách khen, cách mắng, cách phạt con

Review sách: Cách khen, cách mắng, cách phạt con

Là một người cha – người mẹ, chắc hẳn bạn cũng như tôi đều mong muốn những điều tuyệt vời, tốt đẹp cho con của mình. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, trong cuộc sống đôi khi có những lúc bạn “muốn con ngủ sớm thì bé lại chẳng chịu đi ngủ, muốn bé ăn đúng bữa thì bé lại thích ăn vặt, càng lớn bé càng tỏ vẻ cứng đầu, nói không chịu nghe hay bé rất nhút nhát nên chịu nhiều thiệt thòi”… Trong bài viết này, thebabytalks.com sẽ cùng các bạn chia sẻ một số quan điểm cơ bản và phương pháp nuôi dạy con dựa trên cuốn sách: “Cách khen, cách mắng, cách phạt con”.

Quyển sách này đã hỗ trợ bản thân mình khá nhiều trong quá trình nuôi dạy và đồng hành cùng con. Khen như nào là đủ, mắng như nào để con không bị tổn thương là câu hỏi mình đã đặt ra rất nhiều lần. Thông qua cuốn sách, mình đã dần tìm được rất nhiều đáp án và các mấu chốt cho những tình huống cụ thể của mình.

Khen ngợi và dạy trẻ cách chia sẻ niềm vui

“Khen ngợi và la mắng không phải là việc dễ dàng mà đó là cả một nghệ thuật. Không chỉ đơn giản bằng việc toàn khen trẻ thì trẻ sẽ trở thành một đứa bé ngoan, cũng không có chuyện toàn la mắng trẻ thì trẻ sẽ chỉnh sửa những điều chưa tốt để trở thành đứa bé ngoan”.

Do vậy, không phải cứ khen là tốt và mắng là không tốt. Mà quan trọng là ba mẹ cần biết khen con ở mức độ vừa phải, mắng ở mức độ vừa phải – dù sự thật đây là một việc không hề dễ.

Luận điểm: “Hãy cùng vui mừng thay vì khen ngợi trẻ” rất thuyết phục các bậc phụ huynh. Đôi khi chỉ bằng việc cha mẹ yên lặng, chăm chú quan sát con làm, nhẹ nhàng nói với con rằng: con làm được rồi đấy” sẽ rất có ý nghĩa đối với con. Ba mẹ không cần khen ngợi trẻ quá mức, hãy tỏ ra vui cùng niềm vui của con.

La mắng – giáo dục năng lực tự mình đứng dậy

Khi la mắng trẻ, điều gì là quan trọng?

Bé nhà mình (hiện tại con được 2,5 tuổi) mỗi khi bị mẹ mắng xong, con lại chạy theo mẹ hỏi rất gấp gáp:”Mẹ có yêu con nữa không?”, điều này chứng tỏ con rất chú tâm đến tình cảm của mẹ với mình.

Khi la mắng, ba mẹ hãy cố gắng đừng để trẻ xuất hiện cảm xúc tiêu cực như phủ định nhân cách hay thất vọng về bản thân. Ở thời điểm ấy, bạn hãy cố gắng truyền đạt cho trẻ hiểu rằng thật sự bạn muốn hoặc không muốn trẻ làm điều gì. Quan trọng hơn cả, ba mẹ vẫn cần bình tĩnh, kìm chế cảm xúc và “hạ” cơn nóng giận của mình xuống. Hãy hướng dẫn con: “Không phải làm như thế, hãy làm thế này con nhé” thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Kỷ luật – nền tảng giáo dục nhân cách

Trẻ nhỏ học thông qua mô phỏng bắt chước rất tốt. Do vậy, trong mối quan hệ gia đình, cha mẹ hay anh chị em chính là những tấm gương gần gũi nhất, thân quen nhất để các con học tập và noi theo. Cuốn sách cũng cung cấp cho bạn đọc những phương pháp dạy dỗ dành cho trẻ khó bảo, hay những mẹo nhỏ từ sự dịu dàng của mẹ đến sự nghiêm khắc của cha.

Nuôi dưỡng mối quan hệ giữa con người với con người thêm phong phú.

Mở rộng các mối quan hệ để giáo dục con cũng là một trong những cách rất thú vị mà cuốn sách đề cập đến. Thật vậy, “cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, không chỉ những người thân trong gia đình mà còn những người hàng xóm xung quanh, những mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè hằng ngày – trẻ sẽ học được rất nhiều từ những mối quan hệ đó.

Cuốn sách này đã giúp rất nhiều bậc phụ huynh tìm ra được những phương pháp thưởng – phạt hợp lý mà vẫn dung hòa được tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Sách có hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh, dễ thương làm tăng thêm phần tập trung cho bạn đọc. Thông qua cuốn sách, mình muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh thông điệp rằng: “Hãy là người bạn của con khi mình có thể” ba mẹ nhé!

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của thebabytalks.com!

Link tham khảo mua sách trên Tiki: Tại đây

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*