Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?

Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ

Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?

Hồi Kiến được 6 tháng tuổi, khi đó 2 mẹ con về bà ngoại chơi. Thời điểm đó con đã ngồi cứng cáp. Con đã có thể ngồi ghế ăn dặm Mastela vững vàng mà không cần sự trợ giúp của mẹ. Mẹ đã quyết định cho con bắt đầu ăn dặm. Và thế là mẹ Kiến ngày ngày được nghe điệp khúc sau từ bà ngoại:

“ Thảo ới! Vẫn chưa nấu gì cho con ăn à?

Thảo ới! Con nó đói lắm rồi đây này,

Thảo ới! Con nó gặm các thứ, đói sắp lả rồi đây này…”

Và thế là mẹ Thảo lại phải giảng giải cho bà: “Sữa mẹ tốt thế này, sữa mẹ bổ sung đủ chất thế kia, sữa mẹ ăn lúc mấy giờ rồi…. bla, bla

Ngoại lại chốt cho câu:

“Nó tè hết rồi, còn gì nữa đâu”

Đói!!! Ôi! Cái điệp khúc đó ngày nào em cũng nghe….

Vâng, đó là câu chuyện của vài tháng trước. Giờ đây khi bé Kiến được hơn 9 tháng tuổi, kỹ năng ăn dặm BLW của con bốc nhón tốt, nhai nuốt các món ăn khá ổn. Bên cạnh đó, thi thoảng con vẫn được mẹ cho ăn kết hợp đút thìa. Tuy vậy, có một vấn đề mà mẹ Kiến luôn phải dè chừng từ khi bắt đầu cho con tập ăn, đó chính là: “Con ăn dặm bao nhiêu là đủ?”. Lý do là vì dưới 1 tuổi sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của con.

Theo ý kiến từ các chuyên gia, trẻ em chính là người quyết định mình cần bao nhiêu thức ăn mỗi ngày.

Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng: “Trẻ em sẽ không bao giờ tự bỏ đói bản thân mình”. Hiện nay, các mẹ bỉm sữa thường áp dụng 3 phương pháp ăn dặm phổ biến: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Mỗi phương pháp ăn dặm lại có những cách chế biến và đặc điểm riêng biệt. Do vậy, việc bé 6 tháng ăn dặm bao nhiêu là đủ còn tùy thuộc vào phương pháp ăn dặm mẹ áp dụng cho con.

Ăn dặm truyền thống – Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?

Khi được 6 tháng tuổi thì nguồn thức ăn chủ yếu của bé vẫn là sữa.

Nguyên tắc khi cho bé ăn dặm truyền thống là ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều và chú ý không cho các loại gia vị.

Giai đoạn đầu khi bé mới bắt đầu tập ăn mẹ có thể mua bột ăn dặm pha sẵn để cho bé ăn trước. Lưu ý thận của bé lúc này cũng chưa phát triển hoàn thiện do đó mẹ có thể cân nhắc cho bé làm quen với bột ngọt trước. Sau đó mẹ có thể cho con ăn bột mặn để bổ sung đạm. Ở giai đoạn 6 tháng này, mẹ không nên quá áp lực phải cho bé ăn dặm được ngày mấy bữa. Mà hãy cho bé ăn từ từ 1 chút một, từ ít đến nhiều. Mẹ nên cân đo kỹ lưỡng các nhóm dinh dưỡng phù hợp cho bé, nhất là đạm và muối.

Bé 6 tháng tuổi các mẹ chỉ nên cho ăn mỗi ngày 1- 2 bữa cháo. Mẹ nên nấu cháo có đủ 4 nhóm thực phẩm (thịt/cá, gạo, rau/củ, dầu/mỡ). Điều này giúp bé tập làm quen với các loại thực phẩm và có đủ năng lượng. Tuy nhiên, mẹ cũng nên lưu ý chọn thời gian 2 bữa ăn trong ngày cách xa nhau, để bé có đủ thời gian tiêu hóa lượng thức ăn vừa bổ sung.

Ăn dặm kiểu Nhật – Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?

Với phương pháp ăn dặm này, giai đoạn 6 tháng tuổi bé chủ yếu tập làm quen với mùi vị của thức ăn nhằm kích thích vị giác phát triển. Do vậy, mỗi ngày mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 bữa chính (có thể bổ sung thêm 1 bữa phụ chiều).

Ở những tuần đầu khi mới cho bé ăn dặm theo phương pháp này, bạn nên cho bé ăn cháo lỏng (theo tỷ lệ 1:10). Cháo kiểu này được làm mịn bằng rây nhằm giúp bé quen với việc ăn bằng thìa, nuốt thức ăn khác ngoài sữa. Các tuần tiếp theo mẹ có thể tiếp tục cho bé ăn cháo loãng. Ngoài ra, mẹ có thể thêm 1 đến 2 loại rau củ nhiều chất xơ, dễ tiêu hóa khác.

Khi cho con ăn dặm kiểu Nhật, bạn phải theo nguyên tắc cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ một nhóm thực phẩm đến bốn nhóm thực phẩm.

Lưu ý là trong quá trình cho bé ăn theo phương pháp này, bạn phải chú ý đến tâm lý của bé. Mẹ nên tạo cho bé tâm lý thoải mái nhất khi ăn, cho bé được chọn lựa món ăn mà bé thích. Mẹ tránh ép bé ăn, khiến bé trở nên sợ ăn.

Một số nhóm thực phẩm mà mẹ có thể cho trẻ 6 tháng tuổi ăn đó là:

  • Nhóm tinh bột: bao gồm cháo loãng (gạo), bún, miến, khoai lang, khoai tây, chuối.
  • Nhóm đạm: lòng đỏ trứng, cá, đậu hũ, bột nếp, sữa chua, phô mai.
  • Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ: bí đỏ, cà chua, cà rốt, cải ngọt, củ cải, bắp cải, táo, hành tây.

Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) – bé 6 tháng ăn dặm bao nhiêu là đủ?

BLW trong giai đoạn đầu có mục đích giúp trẻ làm quen với các loại thức ăn. Ngay từ lần ăn dặm đầu tiên, bé sẽ được tập ăn thô y như người lớn. Không nhằm mục đích “nhồi nhét” thực phẩm vào dạ dày của bé, ăn dặm tự chỉ huy chủ yếu tập trung vào việc tập cho bé kỹ năng nhai, nuốt. Phương pháp này không chú trọng quá tới việc bé ăn được bao nhiêu. Trong giai đoạn này, nguồn dinh dưỡng chính của bé vẫn là sữa.

Tại thời điểm trẻ mới được 6 tháng tuổi thì việc con ăn được nhiều hay ít không quan trọng. Điều quan trọng nhất là mẹ giúp con cảm nhận được niềm vui từ hoạt động ăn uống.

Vậy thực đơn ăn dặm tự chỉ huy của bé 6 tháng nên có những món ăn nào? Đó là:
  • Nhóm rau củ quả: Su hào, cà rốt, súp lơ, trái bơ, chuối…
  • Nhóm đạm: Thịt trắng như gà, thịt đỏ như thịt bò, cá; lòng đỏ trứng, bơ đậu phộng (không có muối).
  • Nhóm tinh bột: Các loại bánh mì cắt nhỏ, mì, nui
Một số dấu hiệu khi bé đã ăn no mẹ có thể tham khảo:

+ Quay đi chỗ khác hoặc lắc đầu thay cho việc nói “con không muốn ăn nữa”.

+ Bé nghịch hoặc ném thức ăn. 

+ Bé nhai rất chậm và tỏ ra lơ đãng, không còn nhìn chằm chặp vào thức ăn nữa.

+ Bé nhè thức ăn ra, ngay cả những món mà bé thích nhất cũng vậy.

Khi đọc được tín hiệu bé đã no bụng rồi, các mẹ nên cho bé dừng bữa ăn, không nên ép con ăn tránh để tránh tình trạng con chán ghét với việc ăn uống, dẫn đến chứng biếng ăn sau này.

Tóm lại, việc bé 6 tháng ăn dặm bao nhiêu là đủ tuỳ thuộc vào phương pháp ăn dặm. Bên cạnh đó, còn tùy thuộc vào đặc điểm phát triển của riêng từng bé. Do vậy, mình mong rằng các mẹ hãy thật thoải mái trong hành trình đồng hành cùng con yêu của mình. Mẹ hãy để con được ăn theo nhu cầu. Và đừng bao giờ nên so sánh con mình với con người, các mẹ nhé!

Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của mẹ Kiến.

Để được cập nhật thông tin và trao đổi với gia đình Kiến các mẹ có thể liên hệ qua Facebook và theo dõi tại YouTube .

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*