Truyện thai giáo cho thai nhi

Truyện thai giáo cho thai nhi

Trong bài viết trước, thebabytalks.com đã cung cấp những thông tin rất chi tiết về phương pháp thai giáo cũng như review cho các mẹ cuốn sách Hành trình thai giáo 280 ngày (Tại đây). Trong bài viết dưới đây, mình sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về truyện thai giáo cho thai nhi – một trong những phương pháp thú vị giúp phát triển trí não cho bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Những lợi ích của truyện thai giáo

Theo nghiên cứu của y khoa, khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ vào khoảng tuần thứ 16, thì bé đã có thể nghe và cảm nhận được giọng nói ở bên ngoài. Thời điểm này con có thể nghe và có phản ứng mạnh mẽ với âm thanh từ thế giới xung quanh một cách rõ ràng. Do vậy, lúc này ba mẹ nên áp dụng phương pháp đọc truyện cho con để giúp con tiếp xúc với âm thanh.

Truyện thai giáo mang đến cho mẹ và bé những lợi ích tuyệt vời sau:

Giúp mẹ và bé thư giãn: Những câu chuyện nhẹ nhàng, vui tươi giúp mẹ bầu vui vẻ, lạc quan hơn, tâm trạng của mẹ cũng trở nên tốt hơn, tác động tích cực đến sự phát triển của thai nhi.

Bé nhận biết được giọng nói của mẹ từ khi còn trong bụng: Thông qua việc thường xuyên đọc truyện cho bé trong thời kỳ mang thai, khi chào đời, bé sẽ dễ dàng nhận biết được giọng nói của mẹ, đồng thời giúp sợi dây liên kết tình mẫu tử thiêng liêng ngày càng gắn kết chặt chẽ.

Bé được nghe truyện thai giáo nhiều, khả năng phát triển ngôn ngữ sau này sẽ tốt hơn: Mặc dù bé vẫn chưa hiểu ý nghĩa những câu chuyện mẹ đọc cho nghe nhưng khi mẹ thường xuyên đọc sách cho thai nhi nghe, con có cơ hội được nghe rất nhiều, do vậy việc hình thành ngôn ngữ khi lớn lên của trẻ rất tốt.

Truyện thai giáo cho thai nhi sẽ giúp kích thích thai nhi phát triển trí não. Mẹ bầu cần lưu ý nên đọc sách truyện cho con với giọng điệu nhẹ nhàng truyền cảm, tư thế thoải mái, và thời lượng đọc vừa đủ (khoảng 10-15 phút/ lần) để đem lại hiệu quả tích cực nhất. Ngoài những câu truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, mẹ bầu có thể đọc cho con nghe những câu thơ vui nhộn, các bài ca dao, bài vè với giai điệu nhịp nhàng, hài hước từ đó giúp bé phát triển não bộ, cũng như khả năng ngôn ngữ của bé. Ngoài ra, phương pháp thai giáo và những kiến thức quan trọng mà bà bầu cần biết, mẹ có thể tham khảo thêm sách thai giáo Tại đây.

Dưới đây là 2 câu chuyện mẹ bầu có thể tham khảo:

Câu truyện: Dê con nhanh trí

Trong ngôi nhà kia có Dê mẹ và một chú Dê con. Một hôm, trước khi ra đồng cỏ, Dê mẹ dặn Dê con:

– Con ở nhà cho ngoan, mẹ đi ra đồng ăn một ít cỏ tươi để có nhiều sữa ngọt cho con bú. Ai gọi cửa cũng đừng mở nhé! Nếu không thì con Sói vào ăn thịt con đấy!

Dê con vâng lời mẹ và hỏi thêm:

– Thế mẹ về thì làm sao con biết mà mở cửa?

Dê mẹ khen con thông minh và dặn con:

– Lúc nào mẹ về, mẹ sẽ nói: “Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi”, thế là con mở cửa cho mẹ.

Nhưng con Sói hung ác nấp gần đó đã nghe Dê mẹ dặn Dê con như thế rồi. Dê mẹ vừa đi khuất, con Sói hung ác đã chạy lại gõ cửa: “Cạch, cạch , cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi”, Dê con ở trong nhà, nghe tiếng gõ cửa vội vàng chạy ra. Nghe đúng câu mẹ dặn, nó định mở cửa nhưng nghe tiếng ồm ồm, không giống tiếng mẹ, Dê con liền nghĩ ra một kế và bảo:

– Mẹ đấy ư? Sao hôm nay tiếng mẹ lại ồm ồm thế?

Con Sói sợ bị lộ nhưng vẫn khôn ngoan trả lời:

– Mẹ ra đồng bị cảm gió nên khản tiếng đấy.

Dê con vẫn còn ngại:

– Mọi lần mẹ về vẫn thò chân vào khe cửa cơ mà! Chân mẹ thon thon, con nhìn là biết ngay!

Con Sói lại tìm cách chống chế:

– Mẹ giẫm phải gai, sưng vù lên, thò vào khe cửa không vừa nữa. Con mở cửa cho mẹ vào! Dê con cúi sát xuống đất nhìn qua khe cửa. Nó thấy cái chân lem luốc, đen sì. Nó bảo chó Sói:

– Thôi, anh Sói ơi! Chính anh rồi! Anh cút đi kẻo mẹ tôi về húc cho anh vỡ bụng ra đấy! Chân anh đen sì thế kia kìa! Ai còn lạ gì nữa! Bị lộ, con Sói vội vàng bỏ đi. Nhưng nó vẫn nghĩ cách lừa Dê con. Nó chạy ngay đến một cửa hàng bánh. Chờ lúc người làm bánh đi vắng, nó liền thò chân vào thùng bột, bột dính đến đầu gối. Xong xuôi, nó chạy về gọi Dê con:

– Cạch cạch cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi!

Dê con vội chạy ra, ngó qua khe cửa, lần này nó thấy rõ ràng 4 chân trắng. Thôi, đích là mẹ đã về! Nhưng cái mũi thính của nó lại ngửi thấy mùi gì hôi hôi chứ không thơm như mùi sữa của mẹ. Dê con ngần ngại, khe khẽ bắt ghế trèo lên nghếch cổ nhìn qua khe tường. Nó thấy hai cái tai lem luốc và nhọn hoắt. Thôi đúng là tai Sói rồi, Dê con gọi chó Sói và bảo:

– Tai anh đen và nhọn, chẳng giống tai mẹ tôi đâu! Anh Sói hung ác ơi, cút ngay đi kẻo mẹ tôi về, mẹ tôi lại húc cho anh vỡ bụng đấy! Sừng mẹ tôi nhọn lắm.

Con Sói sợ bị lộ, vội vàng bỏ chạy. Nó cố hết sức tìm cách giấu đôi tai lem luốc và nhọn hoắt mà không được. Nó chưa dám trở lại thì Dê mẹ đã về gõ cửa “Cạch, cạch, cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi!”

Dê con nghe đúng tiếng mẹ. Nó cúi nhìn qua khe cửa, đúng là chân mẹ. Nó trèo lên nhìn qua khe tường, đúng là tai mẹ. Nó mở ngay cửa cho mẹ vào và kể chuyện con Sói đến lừa cho mẹ nghe. Dê mẹ ôm con vào lòng và khen con giỏi.

Dê mẹ cho Dê con bú một bữa sữa thơm và ngọt.

Câu truyện: Con cóc là cậu ông trời

Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.

Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.

Một hôm, các con vật họp bàn với nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.

Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cánh cửa có đặt một cái trống rất to. Theo tục lệ, nếu ai có điều gì oan ức, thì đánh trống lên, Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược nhìn xuôi mãi không thấy ai, chỉ thấy một con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng:

– Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên gặp Ngọc Hoàng để kiện.

Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói vậy thì giận lắm, bèn sai bầy gà ra mổ Cóc. Bầy gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ trong bụi rậm ra vồ gà.

Biết Gà bị Cáo bắt mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra bắt Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa một tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật ngã toán lính không chừa một người nào.

Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:

– Cậu lên đây có việc gì?

Cóc thưa:

– Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay, chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?

Ngọc Hoàng cho gọi thần Mưa đến. Té ra là thần Mưa mải rong chơi, tối về đắp chiếu nằm ngủ quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:
– Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.

Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về. Khi bốn con vật đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:

“Con Cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”.

Hi vọng bài viết này cung cấp cho mẹ bầu những thông tin hữu ích về truyện thai giáo cho thai nhi. Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của thebabytalks.com!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*