
Wonder week (ww) là một thuật ngữ dùng để mô tả các giai đoạn phát triển mạnh mẽ của trẻ sơ sinh. Đây chính là tuần bé có bước tiến lớn về tâm lý sinh lý hoặc đang học 1 kỹ năng mới. Sự tiến bộ vượt bậc này có thể nhận thấy qua các kĩ năng như học lẫy, bò, ngồi, đứng, đi…
Trong bài viết này, mẹ Kiến và các mẹ sẽ tìm hiểu sâu về những biểu hiện và đặc điểm của tuần khủng hoảng wonder week của bé. Các mẹ sẽ biết được những thời điểm diễn ra tuần khủng hoảng wonder week và các đặc điểm của nó, nhờ đó các mẹ sẽ chủ động và an tâm hơn trong việc chăm sóc con cũng như tạo điều kiện hỗ trợ con sớm đạt được các kỹ năng mới.
Biều hiện của trẻ khi trong giai đoạn wonder week
Trong 2 năm đầu đời, trẻ sẽ trải qua 10 tuần khủng hoảng ở các tuần thứ 5-8-12-19-26-37-46-55- 64-75.
Bố mẹ có thể dự đoán con của mình đang bước vào thời gian Wonder weeks với một số biểu hiện sau:
-
- Bé quấy khóc cả ngày, khóc nhiều hơn, hay cáu gắt…
- Bé đang ngủ ngon bỗng dưng dậy khóc, càng dỗ càng khóc to và dường như không có cách gì để con ngừng khóc; khó ngủ, giấc ngủ không sâu, ngủ ít.
- Bé biếng ăn, bỏ ăn, ăn ít (mặc dù trước đó bé đang ăn rất tốt).
- Tâm trạng bé thất thường, đang chơi vui vẻ tự nhiên cáu hoặc ngược lại.
- Bé hay làm nũng, muốn bố/mẹ chơi cùng nhiều hơn.
Các tuần khủng hoảng của bé mẹ cần biết:
Các mẹ hãy cùng theo dõi sự phát triển của bé qua các tuần khủng hoảng dưới đây nhé!
+ Wonder Week ở 8 tuần tuổi: Sau giai đoạn quấy khóc, lười bú, ngủ ít ở tuần khủng hoảng thứ 2 này, bé sẽ trở nên cứng cáp hơn, giữ ổn định phần đầu tốt hơn, thường quay đầu về phía âm thanh, quan tâm đến đồ chơi, quan sát và khám phá những bộ phận trên cơ thể của người đối diện và mình, làm những âm thanh gầm gừ nhỏ.
+ Wonder Week ở 12 tuần tuổi: Đây được xem là giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến lớn trong quá trình hình thành kỹ năng và nhận thức của trẻ. Lúc này trẻ sẽ biết lật sấp, lẫy, lật ngửa, nhạy cười hơn, ngóc đầu và chú ý đến những âm thanh có tần số khác nhau.
Sự phát triển lớn về nhận thức này sẽ đồng nghĩa với việc mẹ phải đối mặt với tình trạng bé quấy khóc, bỏ ăn, thi thoảng còn thức đêm.
+ Wonder Week ở 19 tuần tuổi: Sau tuần khoảng này, bé sẽ biết cầm nắm các đồ vật cho vào miệng hay mút tay, đẩy ti ra sau khi bú no, nhìn theo bố mẹ.
+ Wonder Week ở 26 tuần tuổi: Sau tuần khủng hoảng này, bé sẽ học được kỹ năng cầm nắm chặt, nhổm người, ngồi dậy, xác định khoảng cách phát triển và bắt đầu cười to, la hét.
+ Wonder Week ở 37 tuần tuổi: Giai đoạn này được xem là “chìa khóa” của trẻ sơ sinh, giúp trẻ có khả năng nhận biết những sự khác biệt, có sự phân biệt giữa loại này với loại khác.
Các biểu hiện chán ăn, quấy khóc, bám mẹ ở tuần khủng hoảng sau khi biến mất, trẻ sẽ có thể hiểu được một số từ ngữ, thể hiện tâm trạng, bắt chước hành động của người, cảm nhạc và đung đưa theo điệu nhạc, muốn chơi trò chơi và bắt đầu tập bò (tuy nhiên có một số trẻ bỏ qua giai đoạn học bò).
+ Wonder Week ở 46 tuần tuổi: Lúc này sẽ học nói những từ ngữ đơn giản, bắt đầu hiểu trình tự, trả lời một số câu hỏi ngắn, sẽ nhìn chăm chú vào đồ vật mình muốn, xếp chồng các đồ vật.
+ Wonder Week ở 55 tuần tuổi: Các biểu hiện “khó chiều” ở tuần khủng hoảng thứ 8 biến mất, bé sẽ học được kỹ năng đi chập chững hoặc đi vững, thích vẽ, cầm những đồ vật đưa ra xa, tự cởi hoặc mặc quần áo.
+ Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh thứ 9 (64 tuần tuổi): Các kỹ năng sau tuần khủng hoảng này bé học được như pha trò, bắt chước hành động hoặc biểu cảm của người khác, nũng nịu mẹ.
+ Wonder Week ở 75 tuần tuổi: Khoảng 20 tháng tuổi, lúc này trẻ đã dần hoàn thiện kỹ năng như đi, chạy nhảy, xâu chuỗi những sự kiện lại thành hệ thống, thay đổi các hành vi phù hợp với hoàn cảnh.
Tuần khủng hoảng cuối cùng này là bước phát triển vô cùng quan trọng của trẻ bắt đầu phát triển về tính đồng cảm, sự ích kỷ và kỹ năng phát triển ngôn ngữ.
* Ba mẹ cùng con vượt qua tuần khủng hoảng bằng cách nào?
Vì đây là phản ứng tâm sinh lý tự nhiên của trẻ trong quá trình phát triển, ba mẹ có thể áp dụng kinh nghiệm của các bậc cha mẹ trên khắp thế giới, được đúc kết bằng hai từ “mặc kệ”. Hãy để trẻ được tự do quấy khóc, thoải mái trong không gian riêng của mình.
Mẹ có thể áp dụng một số mẹo sau để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn:
- Cho con ngủ giấc đêm sớm hơn bình thường 30-45 phút.
- Không nên ép con ăn, tránh biến biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý. Mẹ chỉ cần đợi đến lúc con đói và đòi thì hãy cho ăn.
- Quan tâm con nhiều hơn, cùng chơi các trò chơi để luyện tập các kĩ năng con đang học.
- Khi con quấy khóc, mẹ hãy giúp con quên đi sự khó chịu bằng cách cho con thực hiện hoạt động con thích nhất như mát xa, ôm ấp, cho con đi ra ngoài chơi…
Với Kiến nhà mình, trong các tuần khủng hoảng con thường nhõng nhẽo bám mẹ nhiều hơn. Mình hay áp dụng biện pháp quan tâm nhiều hơn tới con, tương tác với con nhiều hơn thông qua các trò chơi, sách vở… Ngoài ra, mình còn cùng con chơi các trò chơi để luyện tập các kĩ năng lẫy, bò, đi, đứng. Có những đêm con đang ngủ bỗng nhiên thức giấc và thổn thức một hồi, khi đó mình hay bế vác con lên và đung đưa vỗ về con một lúc, con sẽ bình tâm lại và dần chìm vào giấc ngủ.
*Một số lưu ý cho mẹ về tuần khủng hoảng của trẻ:
Các tuần khủng hoảng của mỗi bé không giống nhau hoàn toàn, có bé sớm, có bé đến muộn, có bé đúng theo mốc thời gian như trên. Mẹ chỉ cần dựa vào biểu hiện của con như ăn kém, ngủ kém, hoặc bé quấy khóc, bám mẹ nhiều hơn… để xác định. Ngoài ra mẹ nên căn cứ theo độ tuổi, hoặc quan sát những kỹ năng của bé như tập lẫy, tập bò, tập đứng… để đoán xem liệu con có đang rơi vào tuần khủng hoảng hay không.
Thông thường, tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ được tính theo ngày dự sinh của bé, nên với các bé sinh non thì mẹ tính theo ngày sinh dự kiến chứ không phải theo ngày sinh thực mẹ nhé!
Thông qua bài viết này, mẹ Kiến hi vọng các mẹ sẽ trang bị cho mình được những kiến thức cần thiết về wonder week của bé. Các mẹ sẽ hiểu được rằng tuần khủng hoảng của bé không quá “đáng sợ” như mẹ nghĩ và sẽ an tâm chờ đợi “sau cơn mưa trời lại sáng”. Hy vọng với những thông tin trên, các mẹ đã có thể hiểu rõ và bình tĩnh đón nhận một cách bình thường những thay đổi nhỏ trong quá trình lớn lên và thay đổi rõ rệt của bé yêu nhà mình nhé!
Để lại một phản hồi Hủy